Đảo ngọc Phú Quốc lu mờ và bài học cho phát triển du lịch bền vững

(BKTO) - Là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang trải qua thời kỳ khó khăn “chưa từng thấy” khi lượng khách sụt giảm ngay vào mùa cao điểm vì cả những lí do chủ quan, khách quan đan xen.

_dsc6891.jpg
Chú trọng khai thác thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để phát triển du lịch bền vững. Ảnh: N.Lộc

Những vấn đề đặt ra với du lịch Phú Quốc cần được nhìn nhận để rút bài học kinh nghiệm chung trong phát triển du lịch hiện nay.

Vết rạn của đảo ngọc do phát triển "nóng"...

So với các điểm đến khác, Phú Quốc có những lợi thế vượt trội như chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế, có sân bay quốc tế, hoạt động du lịch ít chịu tính mùa vụ... Tuy nhiên, các lợi thế này chưa được phát huy hiệu quả, ít nhất là trong năm qua, khi toàn ngành du lịch đã thể hiện những nỗ lực vượt bậc, cùng dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách lẫn doanh thu.

Dù kết quả chung năm 2023, Phú Quốc vẫn đón 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 17.400 tỷ đồng... Nhưng cũng trong năm này, Phú Quốc liên tục nhận các phản ánh không tích cực từ du khách về giá cả, chất lượng dịch vụ với những dấu hiệu đáng báo động.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhắc đến Phú Quốc, trừ thời điểm dịch bệnh, rất hiếm khi có tình trạng trống phòng vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, năm qua, đảo ngọc thường xuyên phải chứng kiến tình trạng này. Đơn cử như dịp lễ 2/9, Phú Quốc đón khoảng 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ 2022, trong đó chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế.

du-lich-phu-quoc-giam-suc-_331684686004.jpg
Đảo ngọc Phú Quốc cần nhanh chóng khắc phục hạn chế để thu hút du khách trở lại. Ảnh ST

Ngoài những nguyên nhân do giá vé tăng cao, ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách, những hạn chế nội tại của ngành du lịch Phú Quốc được cho là nguyên nhân chính khiến du lịch của đảo ngọc chững lại.

Theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 vừa được công bố, Phú Quốc được định hướng phát triển trở thành một đô thị biển đảo, là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Thành phố sẽ tập trung nhận diện và khắc phục ngay những bất cập nảy sinh của ngành du lịch thành phố.

Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, việc đầu tư quá ồ ạt đang khiến Phú Quốc mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, các cảnh quan thiên nhiên dần mất đi và thay vào đó là những tác động tiêu cực của con người. Nhận thức về phát triển du lịch của một số bộ phận dân cư địa phương còn hạn chế, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển... Tất cả những điều trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững du lịch tại đảo ngọc Phú Quốc.

Ông Trần Việt Anh (Công ty Cổ phần Bình Định F1) cho rằng, Phú Quốc là minh chứng rõ ràng của sự đầu tư thiên lệch, quá tập trung cho các dự án bất động sản.

Chưa kể là tình trạng xây dựng trái phép “băm nát” cảnh quan của đảo ngọc, trong khi cách tiếp cận giải quyết của chính quyền địa phương còn chậm. Đơn cử như hàng chục căn biệt thự được xây không phép, trái quy hoạch diễn ra thời gian dài, song đến nay chưa được xử lý triệt để…

Một lý do khác khiến lượng khách đến Phú Quốc có dấu hiệu sụt giảm sau giai đoạn thành công là tình trạng tiếp nhận, giải quyết thông tin về du lịch của cơ quan quản lý còn chậm; tình trạng lộn xộn,“chặt chém” tại điểm du lịch vẫn tồn tại…

“Giờ là lúc Phú Quốc phải kiên quyết vào cuộc chấn chỉnh để lấy lại hình ảnh, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế sau nhiều biến động vừa qua” - một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch lưu ý.

Phát huy nguồn lực tại chỗ, đề cao yếu tố bản sắc để phát triển du lịch bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề xảy ra tại đảo ngọc Phú Quốc cũng là vướng mắc mà nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam đang và sẽ gặp phải. Do đó, để không vướng phải những nguy cơ đã được cảnh báo, các điểm đến cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, phát triển “nóng”, thiếu bền vững; đồng thời đẩy mạnh khai thác du lịch dựa vào đặc thù của địa phương. 

Từ câu chuyện của Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, cần coi trọng yếu tố văn hóa, yếu tố bản sắc và chú trọng huy động nguồn lực tại chỗ. Chính quyền phải nhận thức rõ người dân địa phương mới là chủ nhân của điểm đến. “Việc phát triển một vùng đất suy cho cùng cũng để phục vụ lợi ích của người dân ở đó. Do đó, người dân phải được tham gia vào hoạch định chính sách, vào quá trình phát triển và được hưởng lợi từ quá trình này” - ông Siêu nhấn mạnh.

_dsc9253.jpg
Cần tránh nguy cơ phát triển "nóng", thiếu kiểm soát trong tổ chức quản lý du lịch. Ảnh: N.Lộc

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ ở Phú Quốc, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) hay Tràng An (tỉnh Ninh Bình) - những điểm đến thu hút du khách dễ bị cuốn vào tình trạng phát triển "nóng", dễ bị tác động bởi tình trạng đầu tư thiếu kiểm soát..., cơ quan quản lý cần quan tâm hơn đến việc cấp phép dự án, cũng như chú trọng phát huy nguồn lực tại chỗ. 

“Các địa phương khuyến khích đầu tư từ bên ngoài nhưng cũng nên không bỏ qua vai trò của nhà đầu tư bản địa, những người vốn hiểu rõ và có ý thức tôn trọng văn hóa địa phương với mong muốn đóng góp cho du lịch địa phương” - ông Bình cho biết.

Nhấn mạnh đến những yếu tố đặc thù địa phương, tôn trọng văn hóa trong phát triển du lịch, nguyên Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng, đây là vấn đề ngày càng được du khách quan tâm. Do đó, một trong những giải pháp để phát triển du lịch bền vững là không đánh đổi những giá trị về văn hóa, môi trường để lấy sự phát triển “nóng”, chạy theo thị hiếu; đồng thời tăng tối đa đóng góp của du lịch đối với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế địa phương thông qua việc đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương…

_dsc8801.jpg
Sự hài lòng của du khách là yếu tố quyết định đến thành công của ngành du lịch. Ảnh: N.Lộc

Khẳng định những nỗ lực thúc đẩy du lịch phát triển khó thành hiện thực nếu thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các ý kiến cho rằng, khi đã có chiến lược quy hoạch phù hợp thì phải làm rõ việc tuân thủ quy hoạch đó như thế nào. “Không thể để tồn tại tình trạng, năm nay đưa vào quy hoạch nhưng vài năm sau lại thay đổi để phục vụ lợi ích của nhóm cá nhân” - một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch lưu ý.

Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với thị hiếu của thị trường; có những chiến lược xúc tiến quảng bá hiệu quả đến thị trường khách mục tiêu. Muốn làm tốt các nhiệm vụ này để phát triển du lịch hiệu quả, bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ của các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp, người dân tham gia vào hoạt động du lịch./.

Cùng chuyên mục
  • Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội còn nhiều chông gai
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025 trong lộ trình thực hiện phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH), song tổng số căn hộ đã hoàn thành trên địa bàn cả nước mới đạt khoảng hơn 8% kế hoạch đề ra. Điều đó cho thấy việc hiện thực hóa mục tiêu về phát triển NƠXH còn rất nhiều chông gai, đòi hỏi cần sự chung sức của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để cùng gỡ những “nút thắt”.
  • Còn nhiều dư địa cần cải thiện về công khai thông tin đất đai
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện trong năm 2023 đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa cần tiếp tục cải thiện về công khai thông tin đất đai.
  • Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã bội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của tỉnh Vĩnh Phúc đều vượt chỉ tiêu Chính phủ giao và chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
  • Khoảng 10 triệu thẻ căn cước được cấp mỗi năm sau khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Sau khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, dự tính trung bình hàng năm Bộ Công an sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước cho khoảng 10 triệu trường hợp, trong đó bao gồm 3 triệu thẻ cấp mới cho công dân đến độ tuổi và các trường hợp trẻ em có nhu cầu, 4 triệu thẻ cho các trường hợp đổi thẻ và 3 triệu thẻ cho các trường hợp cấp lại.
  • Tạo sự đồng thuận xã hội đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Việc tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện dự án luật tốt hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khâu soạn thảo.
Đảo ngọc Phú Quốc lu mờ và bài học cho phát triển du lịch bền vững