Dấu ấn kiểm toán nhà nước trong các quyết sách từ nghị trường

TS. NGUYỄN MINH SƠN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội | 03/02/2024 08:05

(BKTO) - Kết quả các cuộc kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã góp phần rất quan trọng trong quá trình thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; là căn cứ xác đáng, giá trị để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều nghị quyết, quyết sách quan trọng của Quốc hội trong năm 2023 có dấu ấn không nhỏ của KTNN.

dau-an-ktnn.jpg
Quang cảnh Hội nghị triển khai chương trình giám sát Quốc hội năm 2024 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: ST

Căn cứ thực tiễn quan trọng từ kết quả kiểm toán

Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm KTNN triển khai thực hiện kiểm toán nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; nhiều chủ đề kiểm toán lớn được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua báo cáo kiểm toán có thể thấy vai trò ngày càng quan trọng của KTNN đối với công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư công. Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án, KTNN cũng đã chỉ rõ những bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án như: Một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn cần phải được rà soát để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công chậm, chưa đồng bộ, cụ thể; công tác chuẩn bị đầu tư dự án thường diễn ra tương đối dài; việc điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân... Bên cạnh đó là một số vướng mắc liên quan đến cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng; lựa chọn, bố trí vốn cho từng dự án chưa đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng tiêu chí…

Kết quả các cuộc kiểm toán về quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công của KTNN thực hiện thời gian qua đã góp phần rất quan trọng trong quá trình thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, giám sát tối cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; là căn cứ xác đáng, giá trị để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Có thể kể đến như, qua kiểm toán việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, KTNN đã cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị, xác thực cho đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 108/2023/QH15 về nội dung này.

Kết quả kiểm toán công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kiểm toán việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; kiểm toán hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 đã cung cấp cho các cơ quan của Quốc hội nhiều căn cứ quan trọng trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đây cũng là kênh thông tin tham khảo hữu ích để các đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định việc đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện tại Nghị quyết số 110/2023/QH15; quyết định nội dung có liên quan đến phân cấp cơ quan chủ quản dự án đầu tư, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ…

Qua kiểm toán việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các kiến nghị của KTNN trong việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh cũng là cơ sở, căn cứ thực tiễn để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hay ý kiến tham gia của KTNN trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã cung cấp nhiều thông tin giúp cho Đoàn giám sát hoàn thành báo cáo kết quả giám sát, là căn cứ quan trọng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021…

Những vấn đề cần ưu tiên trong năm 2024

Bước sang năm 2024, năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng; là năm KTNN sẽ triển khai rất nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng (sẽ thực hiện 179 nhiệm vụ, tăng 1,38 lần so với năm 2023). Ngoài các nhiệm vụ kiểm toán thường niên, KTNN sẽ tập trung kiểm toán việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; kiểm toán một loạt các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, như: Các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Nhìn chung, kế hoạch kiểm toán năm 2024 đã bám sát mục tiêu, định hướng lớn của Ngành, có trọng tâm, trọng điểm để tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực thực hiện.

Để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng, tôi đề nghị, KTNN cần ưu tiên thực hiện kiểm toán, phát hành báo cáo kịp thời, phục vụ giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” sẽ được Quốc hội giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 7; chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 8; cũng như phục vụ 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, KTNN cần tập trung tham gia ý kiến kịp thời, hiệu quả, chất lượng đối với những nội dung có liên quan đến việc Quốc hội xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, KTNN cần đặc biệt quan tâm ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư (kiểm toán báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư, sự cần thiết đầu tư), tập trung đánh giá sự cần thiết đầu tư, quy mô và nội dung đầu tư, đánh giá hiệu quả, tác động đối với kinh tế - xã hội, ảnh hướng tới môi trường và các yếu tố khác khi dự án được chấp thuận đầu tư…

KTNN cũng cần chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; kịp thời bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực kiểm toán viên thuộc các chuyên ngành còn yếu, còn thiếu, nhất là đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong quá trình kiểm toán, tránh hiện tượng tiêu cực, phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán.../.

Cùng chuyên mục
  • Giáp Thìn 2024 và cơ hội hóa rồng
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năm Giáp Thìn 2024 là năm mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam cất cánh và hóa rồng. Những cơ hội đó có thể được phân thành hai nhóm chính là cơ hội bên ngoài và cơ hội bên trong.
  • Giảm ô nhiễm không khí phải là ưu tiên số 1 của Hà Nội!
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong những ngày gần đây, chúng ta - tất cả những người dân Hà Nội đang phải hít thở thứ không khí bị ô nhiễm hết sức nặng nề. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là một vấn đề dai dẳng và nghiêm trọng. Thành phố thường xuyên bị xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
  • Đánh thuế cao hơn với người có nhiều nhà đất
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong phiên thảo luận Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại cuộc họp bất thường của Quốc hội ngày 15/01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, cơ quan xây dựng dự thảo Luật đề xuất các phương án áp mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang… theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
  • Đảm bảo hiệu quả, thực chất trong kiểm soát tài sản, thu nhập
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Qua triển khai công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ còn có vướng mắc khiến công tác này chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Khắc phục bất cập trong quy định và đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong kiểm soát TSTN là yêu cầu quan trọng được đặt ra lúc này.
  • Quy chế thử nghiệm Sandbox
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Các hoạt động đổi mới và sáng tạo thường vượt qua hệ chuẩn đang tồn tại, trong đó có cả hệ chuẩn về pháp lý.
Dấu ấn kiểm toán nhà nước trong các quyết sách từ nghị trường