Vướng mắc từ cơ chế, chính sách
Phó Tổng Thanh tra Chính (TTCP) Bùi Ngọc Lam cho biết, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN; Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, đơn vị, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tích cực triển khai nghiêm các quy định, đạt được những kết quả tích cực, công tác kê khai TSTN dần đi vào nề nếp.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua thực tiễn triển khai cho thấy, công tác kiểm soát TSTN còn nhiều vướng mắc trong quá trình kê khai hay quá trình kiểm tra, xác minh TSTN nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của việc kiểm soát TSTN. Trong đó, nổi cộm là bất cập như quy định, trình tự, thẩm quyền, cách thức tổ chức kê khai, kiểm tra, xác minh TSTN còn chưa rõ ràng; nhận thức của một bộ phận có chức vụ trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai chưa đầy đủ…
Việc kê khai TSTN bằng tiền chưa được quan tâm đúng mức; còn tình trạng nhờ người thân đứng tên trên các tài sản có giá trị... Đây là những vấn đề cần được đánh giá, hoàn thiện để đảm bảo việc kê khai TSTN minh bạch, hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ
“Việc nhận diện rõ thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác kiểm soát TSTN là yêu cầu quan trọng để góp phần tăng cường sự minh bạch trong quản lý cán bộ, phòng ngừa tiêu cực” - ông Lam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, về mặt thể chế, hiện nay đã có quy định về kiểm soát TSTN bằng việc kê khai tài sản. Song hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định về kiểm soát TSTN còn thấp. Bởi trên thực tế, tài sản của những đối tượng phải kê khai, bằng cách này hay cách khác sẽ chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai. Trong khi quy định chưa có yêu cầu về kiểm soát tài sản với các đối tượng này.
Theo ông Vũ Văn Chiến (Trường Cán bộ Thanh tra - TTCP), thực tiễn thi hành quy định về kiểm soát TSTN cho thấy những vướng mắc, bất cập, đặc biệt là việc kê khai và xác minh TSTN. Trong đó, việc xác minh TSTN là quy định mới, song chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến quá trình triển khai còn khó khăn.
Đây cũng là ý kiến chung được các chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực pháp luật đề cập tại nhiều diễn đàn thời gian qua. Theo đó, việc hướng dẫn phân cấp, giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện xác minh TSTN còn chưa rõ, nhất là đối với Bộ, ngành có quy mô lớn, theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.
Nêu dẫn chứng qua thực tiễn công tác kiểm soát tại cơ quan, đại diện Thanh tra Bộ Quốc phòng cho biết, do đặc thù khác nhau, nhiều đơn vị thuộc Bộ gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện kê khai và thực hiện xác minh TSTN.
“Công nhân, viên chức quốc phòng đang công tác tại các binh đoàn, doanh nghiệp, đơn cử như Tập đoàn Viettel mà có chức vụ có phải kê khai TSTN hay không, Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/NĐ-CP đều chưa nêu rõ” - đại diện Thanh tra Bộ Quốc phòng cho biết.
Bên cạnh đó, quy định cũng chưa nêu rõ phạm vi xác minh tài sản, thu nhập (tại cơ quan thuế, sở tài nguyên hay ngân hàng...), xác minh thời gian nào, chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để có căn cứ đề nghị phối hợp cung cấp thông tin mà vẫn đảm bảo tính bảo mật về thông tin cá nhân…
Cần thống nhất quy định, cách làm
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện kiểm soát tốt TSTN của người có chức vụ là giải pháp quan trọng góp phần tăng cường tính minh bạch của bộ máy nhà nước. Muốn làm được điều này, các cơ quan chức năng cần tăng cường phòng ngừa từ sớm, hiệu quả. Trong đó, các giải pháp cần phải được triển khai thực hiện đồng bộ và thống nhất từ quy định đến tổ chức thực hiện.
Chánh Thanh tra Kiểm toán nhà nước Dương Quang Chính cho biết, công tác kiểm soát TSTN tại Kiểm toán nhà nước được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật và văn bản của Đảng. Để thuận lợi trong quá trình triển khai, theo ông Chính trước hết cần sự quan tâm và quyết tâm rất lớn của thủ trưởng các đơn vị, cũng như của chính người trong diện phải kê khai; tiếp tục nhận diện những bất cập trong quy định, cách làm để đề xuất sửa đổi kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Qua thực tiễn triển khai, nhiều cơ quan thanh tra Bộ, ngành, địa phương cho rằng, đối với bất cập trong quy định, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện để đảm bảo thống nhất, khả thi trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã lựa chọn ngẫu nhiên 41 trường hợp thuộc đối tượng phải kê khai của 06 đơn vị trong Ngành để tiến hành thanh tra việc kê khai TSTN theo đúng quy định.
Trong đó, cần xác định rõ phạm vi, đối tượng trong diện phải kê khai TSTN; có hướng dẫn cách kê khai đối với những tài sản đang sử dụng, khai thác nhưng chưa xác lập quyền sở hữu theo quy định…
Đối với vấn đề xác minh TSTN, cần có hướng dẫn phân cấp, giao rõ nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện xác minh TSTN, nhất là đối với những Bộ, ngành có số lượng đơn vị trực thuộc lớn, đông cán bộ, công chức.
Đơn cử qua triển khai tại một số địa phương vừa qua, việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm khiến số lượng người phải kê khai rất lớn, trong khi số lượng cán bộ phụ trách công tác này hạn chế dẫn đến công tác kiểm soát TSTN kém hiệu quả, thậm chí là hình thức. Do đó, cần phải có hướng dẫn cụ thể, phân cấp đối với những cơ quan có số lượng người phải kê khai TSTN lớn, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, trình độ của một bộ phận tham gia kiểm soát TSTN còn hạn chế; sự gắn kết giữa các cơ quan chức năng trong kiểm soát TSTN còn thấp…
Tại Hội nghị tổng kết công năm 2023 ngành Thanh tra, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết, trong khi quy định còn bất cập liên quan đến công tác kê khai và kiểm soát TSTN đang được hoàn thiện, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022.
Theo ông Lam, khi Đề án được triển khai sâu rộng sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc mà quá trình thực thi vấn đề này đang gặp phải, như việc hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác kiểm soát TSTN. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN góp phần nhằm hiện đại hóa công tác kiểm soát TSTN từ đó góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tiêu cực.