Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành logistics để thúc đẩy tăng trưởng

(BKTO) - Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số ngành logistics để giảm chi phí logistics, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành.

logistics.jpg
Ngành logistics cần đẩy mạnh chuyển đổi số để cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa: S.T

Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics vùng lần thứ V với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024” mới diễn ra, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics ở Việt Nam đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Đối với vùng đồng bằng sông Hồng, so với các vùng kinh tế khác trong cả nước, vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước với đầy đủ 5 phương thức vận tải: đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua. Do đó, ngành logistics của vùng còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ ra, tại vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển ngành logistics đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: quỹ đất để xây dựng hệ thống kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều; vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn; huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực phía Nam; quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ hàng chuyên dụng. Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

dd.jpg
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức tại Hải Phòng. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chỉ ra thêm những hạn chế trong phát triển ngành logistics của vùng đồng bằng sông Hồng, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, cơ sở hạ tầng logistics của vùng chưa kết nối đồng bộ, chưa phát huy vai trò của đường sắt và đường thủy nội địa trong khi đường thủy nội địa là một trong những kênh góp phần hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, hạ tầng ở một số địa phương, khu vực còn quá tải.

Đặc biệt, ông Hải cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển như: hệ thống quy định pháp luật hiện hành chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp; việc tiếp cận đất đai xây dựng hạ tầng logistics vẫn còn gặp những trở ngại nhất định và mất nhiều thời gian (từ 2 - 3 năm) gây tốn kém nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các loại phí và phụ phí ở các cảng biển, hãng tàu thường xuyên có sự biến động, thậm chí nhiều khoản phí chưa hợp lý, mức thu cao tạo nên nhiều sức ép, khó khăn cho doanh nghiệp…

Từ thực trạng trên, theo ông Nguyễn Đức Hiển, yêu cầu đặt ra đối với ngành logistics Việt Nam nói chung và của vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng vừa phải có các giải pháp duy trì, đảm bảo vai trò của ngành logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp đặc biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo ra những bước phát triển đột phá.

Đưa khuyến nghị cụ thể, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trước hết, Nhà nước cần tiếp tục chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của ngành logistics trong thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng một cách mạnh mẽ.

Đồng thời, cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư hạ tầng; nghiên cứu hình thành các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng như đã có định hướng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm khai thác quỹ đất để thúc đẩy liên kết vùng; thúc đẩy đô thị hóa theo mô hình giao thông công cộng (TOD) để quá trình xây dựng hạ tầng cho ngành logistics có những bước chuyển biến mới…

Đặc biệt, do ngành logistics gắn liền với các lĩnh vực kinh tế khác, nhất là các mô hình mới trong phát triển kinh tế, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải nghiên cứu các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại một số quốc gia như mô hình khu thương mại tự do để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của một số tỉnh, thành phố có lợi thế trong việc phát triển mô hình này, từ đó tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực logistics.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong ngành logistics, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những biến đổi trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Là một trong những ngành then chốt, logistics cũng không nằm ngoài xu hướng đó, theo đó ngành cần được đầu tư kỹ lưỡng trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể thích nghi với xu hướng phát triển, đồng thời giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2023, Việt Nam xếp vị trí thứ 43 trong số 139 nền kinh tế được xếp hạng với sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế. Việt Nam cũng lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp vị trí thứ 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cùng chuyên mục
  • Quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 giảm nhiều so với dự toán
    5 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, số quyết toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 giảm khá nhiều so với dự toán và giảm lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về công tác lập dự toán chi NSNN, tổ chức triển khai thực hiện, chấp hành dự toán…
  • Cần những giải pháp căn cơ hơn trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
    5 tháng trước Kinh tế
    Với những kết quả tích cực được ghi nhận, những hạn chế, bất cập được mổ xẻ, nhận diện, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, đóng góp nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, cũng như thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15 chưa kết thúc.
  • Hoàn thiện cơ chế cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp công lập trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, có một số chương trình, dự án có rủi ro tín dụng, phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn DN, tăng rủi ro đối với ngân sách nhà nước. Do đó, cần hoàn thiện văn bản pháp luật để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng đối với việc cho vay lại, nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
  • Doanh nghiệp Việt tiếp cận sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu
    5 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thời gian gần đây, số lượng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ngày càng gia tăng. Xu hướng này chỉ báo về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN trong nước ngày một sâu rộng hơn.
  • Không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế
    5 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - “Cần có những giải pháp mạnh mẽ, cải cách thể chế, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để xử lý những bất cập liên quan đến thị trường vàng. Không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế” - đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29/5.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành logistics để thúc đẩy tăng trưởng