Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

(BKTO) - Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ được phần nào khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và triển khai thành công Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Quyết định 1058).



Cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nỗ lực của từng TCTD, đến nay, nợ xấu của hệ thống các TCTD đã bước đầu được xử lý và đạt được một số kết quả quan trọng: Lũy kế đến ngày 30/6/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 263.510 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2019 đã xử lý được 64.970 tỷ đồng. Xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ.

Kết quả đạt được nêu trên là hội tụ những nỗ lực chủ quan từ phía NHNN và các TCTD, cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt, nhờ các quy định của Nghị quyết 42 cho phép: Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ theo giá thị trường, kể cả việc bán nợ xấu với giá trị thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. VAMC được mua các khoản nợ xấu sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoại bảng của TCTD và được chuyển đổi các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. TCTD, VAMC có quyền thu giữ TSBĐ đã ảnh hưởng đến ý thức tự nguyện trả nợ của khách hàng; VAMC được bán nợ cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.

Bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của TCTD được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ đã mua. TCTD được chuyển nhượng các TSBĐ là dự án bất động sản khi đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản phù hợp với đặc thù xử lý TSBĐ trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. TSBĐ của người phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, VAMC được bảo đảm không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của TCTD, VAMC. Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, VAMC… Có thể nói, ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết 42. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Trong 2 năm qua, toàn ngành ngân hàng đã triển khai nghiêm túc, nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu đúng mục tiêu, định hướng công tác xử lý nợ xấu và đạt được kết quả tích cực. Các TCTD đã nỗ lực xử lý nợ xấu, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng lên, các hình thức xử lý nợ xấu được sử dụng đa dạng. Các quy định tại Nghị quyết 42 đã được TCTD, VAMC áp dụng có hiệu quả bước đầu trên thực tế, đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều việc cần làm để triển khai Nghị quyết 42 có hiệu lực và hiệu quả hơn; theo đó:
Các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan cần tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ.

NHNN Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan cần có văn bản hướng dẫn các văn phòng đăng ký đất đai về thành phần hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp TCTD thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Bộ Tài chính cần bổ sung thêm trường hợp việc sang tên, đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến việc xử lý nợ xấu của TCTD vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế, từ đó góp phần thúc đẩy và giải quyết khó khăn trong việc xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hướng dẫn các văn phòng đăng ký đất đai về thành phần hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp TCTD thu giữ TSBĐ để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án cần phối hợp nghiên cứu và sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.

Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ, ưu tiên triển khai thực hiện để đảm bảo giá trị TSBĐ thu hồi lớn nhất; có văn bản chỉ đạo các cơ quan THADS ở địa phương cần tập trung và quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án.

UBND các cấp cần xem xét và có quy định chế tài giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội của chính quyền cấp huyện, xã và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ hỗ trợ tốt nhất trong quá trình TCTD tiến hành thu giữ TSBĐ tại địa phương. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 42...
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019
Cùng chuyên mục
  • Tác động của chiến tranh thương mại  Mỹ - Trung đến Việt Nam
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chi phối thương mại toàn cầu đồng thời cũng là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
  • Động lực và kỳ vọng mới của du lịch Việt
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năm 2018, du lịch Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng và là năm thứ 3 liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng năm này, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng Giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc năm 2018.
  • Đón dòng vốn của các tập đoàn xuyên quốc gia
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mặc dù tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 10.347,2 triệu USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018 và vốn FDI thực hiện 6 tháng đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018 song Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ nguồn vốn đầu tư của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia (TNC).
  • Tăng vốn điều lệ cho bốn  ngân hàng thương mại trụ cột
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) trụ cột gồm: NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lại nóng lên khi cơ quan quản lý các NHTM và chính bản thân lãnh đạo các NHTM trụ cột này đều liên tục lên tiếng được giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại NHTM để tăng vốn điều lệ nhằm vượt qua giới hạn CAR đang lùi về dưới 9%, không chỉ vi phạm nguyên tắc an toàn vốn theo quy định hiện hành mà còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện Chuẩn mực Basel II trong những năm tới.
  • Tham nhũng của tham nhũng
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sáng 16/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 tại TP. Hải Phòng: Chính phủ đã yêu cầu phải xử lý nghiêm một số cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc có vi phạm pháp luật. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tham nhũng, có sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ sẽ áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng