Kết quả và hạn chế
Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến năm 2015, cả nước đã có 30.219 đơn vị SNCL được giao quyền tự chủ tài chính, tăng 4.588 đơn vị so với năm 2011. Sau khi được chuyển giao, các đơn vị này đã phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công như: khám, chữa bệnh, đào tạo và phát triển nguồn thu…
Trên thực tế, mặc dù NSNN còn gặp nhiều khó khăn nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên một nguồn lực không nhỏ cho việc phát triển các dịch vụ này. Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - từ năm 2008 đến nay, chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ cân đối NSNN vẫn cơ bản ổn định ở mức 20% tổng chi NSNN. Đó là chưa kể, hằng năm Chính phủ còn bổ sung từ 15 đến 20 nghìn tỷ đồng để chi cho các nhiệm vụ tăng thêm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đổi mới trên vẫn cho thấy không ít bất cập và khó khăn. Đó là, nhiều đơn vị SNCL vẫn chưa sẵn sàng thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, còn trông chờ vào sự bao cấp của NSNN. Một số đơn vị chỉ chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng khi mở rộng hoạt động dịch vụ liên doanh, liên kết. Thu nhập của người lao động giữa các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí đang có sự chênh lệch lớn. Một số đơn vị chưa quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung chi và mức chi trong quy chế chi tiêu nội bộ…
Về mặt cơ chế, chính sách, một số Bộ, ngành, lĩnh vực vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và biên chế; chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành và hệ thống đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị SNCL. Nhiều chính sách quan trọng được xem là điều kiện để giao quyền tự chủ cho đơn vị còn chậm ban hành, sửa đổi, điển hình là chế độ thu viện phí, học phí, hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật… Việc phân bổ kinh phí từ NSNN cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công vẫn còn mang tính chất bình quân, chưa có quy định việc sử dụng kinh phí NSNN gắn với khối lượng và chất lượng dịch vụ công được giao.
Cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp
Nhằm tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch các đơn vị SNCL và phương thức phân bổ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Tài chính đã đề xuất các nhóm giải pháp: Theo đó, Nhà nước chỉ nắm giữ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Rà soát, sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với các đơn vị Nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời phải thay đổi cách quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công theo đầu mối cơ quan quản lý như hiện nay sang quy hoạch theo ngành và lĩnh vực. Đồng thời, chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá, chuyển việc hỗ trợ cho đối tượng chính sách thông qua việc trợ giá cho các đơn vị cung cấp dịch vụ như trước đây sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng để chi trả dịch vụ công theo cơ chế thị trường.
Cùng với đó, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị SNCL thông qua việc đẩy mạnh phân cấp, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, tài chính của các đơn vị này. Đối với các đơn vị chưa tự chủ toàn bộ về kinh phí hoạt động, cần chuyển sang giao kinh phí theo phương thức Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ, đơn giá đặt hàng được tính toán trên cơ sở vị trí việc làm, các định mức lao động và định mức kinh tế - kỹ thuật. Đơn vị được tự chủ quản lý chi tiêu theo cơ chế tài chính như đối với DN.
Công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước trong cung cấp dịch vụ công cần được đẩy mạnh. Theo đó, Nhà nước khuyến khích thành lập mới các đơn vị cung cấp dịch vụ, cùng với đó là rà soát lại các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, có chính sách đối xử bình đẳng giữa đơn vị SNCL và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, tạo điều kiện cho việc cạnh tranh lành mạnh với các thành phần kinh tế. Đồng thời, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công, cổ phần hóa các đơn vị SNCL để có dư địa cho sự tham gia của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Từng bước tiến tới đấu thầu sử dụng NSNN cho cung cấp dịch vụ công gắn với tiêu chí chất lượng và giá cả.
Ngoài ra, để nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Chính phủ phải ban hành đầy đủ các nghị định về tự chủ đối với những lĩnh vực cần chuyển giao. Song song với đó, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng phải chủ động ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng; xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát của cộng đồng, các tổ chức xã hội, người dân, cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công. Giảm số lượng, đầu mối các đơn vị SNCL trực thuộc sự quản lý của các Bộ, ngành bằng cách chuyển các đơn vị này sang cơ chế trực thuộc các cơ quan hành chính địa phương, gắn với việc cung cấp dịch vụ công theo địa bàn hành chính và vùng lãnh thổ.
THU HƯỜNG
Theo Tuần Báo ra ngày 19-10-2017