Chi đầu tư giảm mạnh so với chi thường xuyên
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng chi NSNN từ đầu năm nay đến 15/9 ước đạt 851,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 623 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5%; chi trả nợ lãi 72,4 nghìn tỷ đồng, bằng 73,2%; riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 153 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 42,8% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản 149,3 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%). Như vậy, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao so với chi đầu tư phát triển.
Không riêng gì trong năm 2017, xu hướng trên cũng đã lộ rõ suốt 10 năm qua. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2016, chi thường xuyên bình quân ở mức 63% tổng chi NSNN, tăng hơn 8% so với giai đoạn 2006-2010. Trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN lại giảm từ mức bình quân 28,6% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 22,7% giai đoạn 2011-2016. “Cơ cấu thu chưa bền vững (còn phụ thuộc vào khoản thu không tái tạo như thu từ quyền sử dụng đất, thoái vốn nhà nước, thu từ tài nguyên), sự giảm dần về quy mô thu đã đặt ra thách thức đối với việc duy trì cân đối ngân sách, khiến cho chi đầu tư phát triển trong những năm qua có xu hướng giảm” - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn nhận định.
Thực trạng trên cũng được chỉ ra trong bản Cập nhật và triển vọng kinh tế Việt Nam 2017-2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây. Cụ thể, các khoản chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, do tăng chi lương cơ bản, y tế và giáo dục. Tỷ trọng chi xây dựng cơ bản trong tổng chi ngân sách giảm từ 30% trong năm 2011 xuống còn 16% trong nửa đầu năm 2017 .
Bên cạnh đó, báo cáo chi tiêu công do Ngân hàng Thế giới và các cơ quan của Chính phủ thực hiện và công bố mới đây cũng đã làm rõ thêm sự mất cân đối trong chi tiêu NSNN với cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư ở vào khoảng 70:30; giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này là 63:37. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương, phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay.
Tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển
Từ thực trạng chi tiêu NSNN giai đoạn qua, ông Trương Bá Tuấn đúc kết: “Việc giảm dần mức độ động viên NSNN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo các nghị quyết của Đảng và Quốc hội chưa được đặt trong mối quan hệ tổng thể với việc cơ cấu lại chi NSNN cũng như vấn đề huy động các nguồn lực xã hội. Điều này khiến mục tiêu đảm bảo bền vững ngân sách đứng trước nhiều thách thức”.
Hơn nữa, theo ông Aaron Batten - chuyên gia kinh tế của ADB, thay đổi cơ cấu chi ngân sách sẽ có khả năng giảm tính bền vững của tăng trưởng trong dài hạn và hạn chế việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
Để ngăn ngừa nguy cơ trên và thực hiện mục tiêu củng cố tài khóa, hướng tới một nền tài chính công lành mạnh, an toàn, bền vững, ông Aaron Batten khuyến nghị, tới đây, các cơ quan chức năng cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính - khoản chi vốn đang lấn át chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.
Thực tế cho thấy, muốn tăng cường năng lực của quốc gia, về lâu dài, cơ quan nhà nước cũng như các địa phương phải giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, gia tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Một nền tài chính công phát triển bền vững cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và một quy chế chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, được kiểm soát chặt chẽ. Bởi vậy, cùng với việc cơ cấu lại nguồn thu, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam - cho rằng: Cơ cấu lại chi NSNN là cần thiết. Việc làm này được thực hiện trên cơ sở xác định đúng chức năng của Nhà nước và hệ thống chính trị cũng như quy mô chi để có nội dung chi đích đáng, theo thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, “trong quá trình cơ cấu lại chi NSNN, Nhà nước cần lưu ý để đảm bảo tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập và tinh giản bộ máy, biên chế…” - GS. TSKH Nguyễn Quang Thái đặc biệt nhấn mạnh.
NGỌC MAI