Đẩy mạnh phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý đất đai

(BKTO) - Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu trong phiên thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 09/6.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: MINH THƯ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án Luật Đất đai rất quan trọng. Vì vậy, Chính phủ mong muốn các đại biểu Quốc hội rà soát lại xem Dự Luật đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng và đã góp phần tháo gỡ được những vướng mắc từ thực tiễn chưa?

Nhấn mạnh "phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", Thủ tướng cũng cho rằng, không thể đòi hỏi một lần sửa đổi bao quát hết, xử lý hết vướng mắc ở thực tiễn. Tuy nhiên. phải cố gắng để giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình khai thác, sử dụng, phát triển nguồn lực đất đai - nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, nguyên tắc sửa đổi là phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn để khai thác tối đa nguồn lực từ đất; vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo, từ đó để Luật sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

“Dự Luật nhận được hơn 12 triệu lượt nhân dân tham gia ý kiến đã chứng tỏ nhân dân rất quan tâm và cũng chứng tỏ rất nhiều việc phải giải quyết” - Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý, quan tâm khi sửa Luật, Thủ tướng đề nghị các đại biểu rà soát lại việc phân cấp, phân quyền.

Theo Thủ tướng, việc phân cấp, phân quyền phải được quy định trong Luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được. Đồng thời, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi và đặc biệt phải tăng cường giám sát, kiểm tra.

“Phân cấp phân quyền mà không phân bổ nguồn lực, không nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới thì cũng khó khăn, không tăng cường giám sát kiểm tra thì có khi lại chệch hướng, có khi không đúng mục tiêu” - Thủ tướng phát biểu.

Nêu quan điểm phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, theo Thủ tướng, thực tiễn những tỉnh, thành phố đề nghị cơ chế đặc biệt, ưu đãi đều đề xuất phân cấp, chứng tỏ là có vướng mắc ở thực tiễn chứ không còn là cơ chế ưu đãi.

Vì vậy, Thủ tướng đề đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ phân cấp, phân quyền ở mức độ phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, đất đai là lĩnh vực có nhiều thủ tục hành chính cần tháo gỡ để giảm được thủ tục hành chính, giảm được chi phí tuân thủ, giảm được đi lại, chi phí không cần thiết cho người dân. Do đó, cần rà soát giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề cần quy định rõ thẩm quyền, cần phân cấp, phân quyền, cũng phải giảm thủ tục hành chính. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ để vừa giải quyết vấn đề nổi lên trong hiện tại trước mắt vừa phải có tầm nhìn dài hạn để phát triển lâu dài, sử dụng tiết kiệm đất.

“Đất đai là hằng số không sinh ra được, phải sử dụng khai thác thế nào cho hiệu quả bao gồm cả không gian trên trời, mặt đất, không gian ngầm, rồi cả không gian biển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề tái định cư - nội dung người dân quan tâm nhiều, Thủ tướng nêu rõ, quan điểm của Đảng là bảo đảm người bị thu hồi đất có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Vấn đề là phải lượng hoá được thế nào là "bằng", thế nào là "hơn"? Điều kiện của từng khu vực địa phương có khác nhau thì phải phân cấp để chủ động.

Về định giá đất, theo Thủ tướng, đây là vấn đề khó bởi thị trường luôn luôn lên xuống, tuân thủ thị trường nhưng có can thiệp gì ở đây khi cần thiết không? Cần có công cụ của Nhà nước để thị trường vừa phát triển lành mạnh nhưng không tạo xáo trộn, khó khăn cho người dân doanh nghiệp khi triển khai dự án hoặc khi phải nhường đất để triển khai dự án.

"Không lượng hoá, không cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc không bám sát thực tế, tuỳ tiện, dẫn đến cái sai" - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng cho rằng, phải nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, phải có cơ sở dữ liệu về đất đai có tính bao quát liên thông giữa các địa phương để tham khảo.

Thủ tướng mong các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, đầu tư thời gian công sức để xây dựng Luật vừa phải giải quyết được những tồn đọng trước đây, vừa phải xử lý những vấn đề hiện nay đang vướng mắc, vừa phải có tầm nhìn thúc đẩy phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục
  • Năm 2024, Quốc hội giám sát tối cao về bất động sản, nhà ở xã hội
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong năm 2024, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, chuyên đề về kinh doanh bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
  • Chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5: Rõ trách nhiệm, rõ giải pháp
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
  • Xử lý nghiêm trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 02/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội).
  • Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng - đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng khi đề cập đến chính sách tiền lương của cán bộ, công chức.
  • Điều trị hiệu quả bệnh “sợ trách nhiệm”
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tình trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập ngay đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), sáng 31/5.
Đẩy mạnh phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý đất đai