Chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5: Rõ trách nhiệm, rõ giải pháp

(BKTO) - Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

be-mac.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Ảnh: VPQH

Sáng 08/6, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khép lại sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm và chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước.

Cùng với 4 Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn về: lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp này, đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, có 49 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt người.

Điều này tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp được đại biểu Quốc hội rất quan tâm và rất có hiệu quả.

Qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp năm 2022, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ánh sát với diễn biến thực tế đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.

Các nội dung hỏi và trả lời nhìn chung đều ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp, có sự đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng; sử dụng, tận dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ thêm vấn đề.

Các Bộ trưởng trả lời chất vấn đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành và lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, kể cả những vấn đề khó và phức tạp.

phien-hop.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

“Diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn lần này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần tận tâm, tận lực, tích cực, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Trưởng ngành” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trong từng lĩnh vực, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức, cần phải có quyết tâm cao, có nhiều giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới.

Sau kỳ họp này và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn tại kỳ họp.

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về hoạt động chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và những người được chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp này và các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đây vừa là cách thức giám sát lại, thể hiện việc đi đến cùng vấn đề giám sát để thực sự tạo nên chuyển biến, vừa là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn cũng tại Kỳ họp thứ 6 - Chủ tịch Quốc hội khẳng định./.

Cùng chuyên mục
  • Xử lý nghiêm trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 02/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội).
  • Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng - đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng khi đề cập đến chính sách tiền lương của cán bộ, công chức.
  • Điều trị hiệu quả bệnh “sợ trách nhiệm”
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Tình trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập ngay đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), sáng 31/5.
  • Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại phiên họp chiều 30/5, với nhiều điểm mới.
  • Kinh phí phòng chống dịch: Nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5: Rõ trách nhiệm, rõ giải pháp