Đẩy mạnh quản lý những nguồn thu còn dư địa để tăng thu ngân sách

(BKTO) - Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024...

10.jpg
Ngành thuế phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024. Ảnh minh họa

48/63 địa phương, 18/20 khoản thu, sắc thuế vượt dự toán

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của ngành thuế đạt 1.522.818 tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán, bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 61.935 tỷ đồng, bằng 147,5% dự toán, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nội địa đạt 1.460.883 tỷ đồng, bằng 109,7% dự toán. Toàn ngành có 48/63 địa phương hoàn thành vượt mức dự toán được giao năm 2023. Có 18/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt dự toán. Có 12/20 khoản thu, sắc thuế có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Mai Sơn, có được kết quả trên, năm 2023, ngành thuế đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ động với các hình thức đa dạng, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và hiệu quả tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chính sách thuế mới, dự thảo chính sách mới, các chính sách hỗ trợ, các vấn đề nóng được nhiều người nộp thuế quan tâm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt thông qua các phương thức điện tử.

Ngành thuế cần tập trung giải quyết hoàn thuế GTGT để hỗ trợ người nộp thuế có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, đảm bảo kịp thời, thận trọng, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định. Việc quản lý chặt vấn đề hoàn thuế vừa bảo vệ cán bộ thực thi nhiệm vụ, vừa giúp tăng thu ngân sách, tránh thất thu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trong năm 2023, ngành thuế đã thực hiện 71.328 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 97,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra 702.441 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 91,9% so với năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 66.114 tỷ đồng, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.307 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.285 tỷ đồng; giảm lỗ là 46.522 tỷ đồng. Số thuế truy thu bình quân qua thanh tra là 1,88 tỷ đồng/cuộc. Số thuế truy thu bình quân qua kiểm tra là 149 triệu đồng/cuộc. Toàn ngành thuế đã thu nợ thuế đạt 45.959 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngành thuế đã thực hiện nghiêm các giải pháp gia hạn, miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền khoảng 193.400 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn ước đạt 115.000 tỷ đồng, số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm ước tính khoảng 78.400 tỷ đồng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngay từ đầu năm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao những kết quả nổi bật ngành thuế đã đạt được trong bối cảnh kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng cho rằng, nền kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các tổ chức quốc tế và trong nước dự báo nhiều rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều này sẽ tác động rất lớn, đặt ra nhiều thách thức cho ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng trong triển khai nhiệm vụ, công tác thuế năm 2024.

Tổng thu NSNN năm 2023 của ngành thuế đạt 1.522.818 tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán, bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ trưởng yêu cầu ngành thuế tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính; triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, tiếp cận toàn diện các nguồn thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Ngành thuế cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tăng cường giám sát, thực hiện tốt công tác kiểm tra nội bộ, chủ động phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ công chức và xử lý nghiêm theo quy định.

Cùng với đó, ngành thuế cần theo dõi sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp để kịp thời, chủ động tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội có các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng các chính sách miễn, giảm, gia hạn; sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra các chuyên đề chống thất thu trong giao dịch liên kết, hoàn thuế, thương mại điện tử, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT); tăng cường quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế...

Ngành thuế cần tập trung giải quyết hoàn thuế GTGT để hỗ trợ người nộp thuế có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, đảm bảo kịp thời, thận trọng, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định. Việc quản lý chặt vấn đề hoàn thuế vừa bảo vệ cán bộ thực thi nhiệm vụ, vừa giúp tăng thu ngân sách, tránh thất thu ngân sách. Chủ động thanh tra thường xuyên các đối tượng hoàn thuế để góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế.

Ứng dụng quản lý rủi ro, chủ động trong công tác thanh tra, thanh tra trước để đẩy nhanh, hỗ trợ công tác giải quyết hoàn thuế ngay từ những tháng đầu năm. Phân tích, ngăn chặn kịp thời và chống buôn bán hóa đơn qua hệ thống HĐĐT; nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả ứng dụng và xử lý rủi ro, phân tích đối với dữ liệu HĐĐT. Tiếp tục triển khai mở rộng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, HĐĐT trong kinh doanh xăng dầu và mở rộng sang các khu vực khác, các lĩnh vực có doanh số cao… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết sẽ chỉ đạo toàn ngành nghiên cứu, triển khai những gợi ý, giải pháp của Bộ trưởng; đặc biệt tăng cường quản lý những ngành, lĩnh vực, nguồn thu còn dư địa để tăng thu ngân sách trong điều kiện năm 2024 còn khó khăn hơn so với năm 2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách được Chính phủ và Bộ Tài chính giao./.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh quản lý những nguồn thu còn dư địa để tăng thu ngân sách