Đối tượng truyền thông được hướng đến là học sinh, người lao động chưa được đào tạo kỹ năng nghề và các tổ chức DN... |
Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) - cơ quan được giao quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về GDNN trong phạm vi cả nước, mục tiêu của Kế hoạch truyền thông là nhằm xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN trên các phương tiện thông tin đại chúng… tiến tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN để truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến GDNN tới người dân và toàn xã hội; nâng cao nhận thức, sự quan tâm của người dân, xã hội, DN, từ đó giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp.
Theo đó, đối tượng truyền thông được hướng đến là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; người lao động đang làm việc trong các khu vực, ngành nghề chưa qua đào tạo kỹ năng nghề…; DN, người sử dụng lao động…
Tổng cục GDNN là cơ quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền hàng năm đảm bảo bám sát theo hoạt động chuyên môn của GDNN.
Kế hoạch truyền thông cũng xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó nội dung xuyên suốt cần thực hiện, đó là đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến GDNN; huy động các DN tham gia hoạt động GDNN; gắn kết DN với cơ sở GDNN từ tuyển sinh, đào tạo, đánh giá tới tuyển dụng và việc làm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Thời gian qua, với sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước dành cho lĩnh vực GDNN; sự vào cuộc quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN nhằm đưa những chính sách mới có hiệu lực, cùng sự chủ động thay đổi của các trường, GDNN ngày càng hấp dẫn người học.
Nhiều trường đạt và vượt kế hoạch tuyển sinh. Đặc biệt, năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cả nước vẫn tuyển được 2,28 triệu người học nghề, đạt 100,9% kế hoạch, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là 580.000 người.
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng đánh giá cao vai trò của hoạt động truyền thông trong phát triển GDNN |
Góp phần vào những kết quả này có vai trò to lớn của hoạt động truyền thông. Như khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng tại buổi phát động Cuộc thi viết về kỹ năng lao động, GDNN mới đây, đó là “mọi chủ trương, chính sách về GDNN có được lan tỏa đến người học, một phần quan trọng là nhờ tiếng nói của các cơ quan thống tấn, báo chí cũng như các kênh thông tin”.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2021, Tổng cục GDNN đặt mục tiêu tuyển sinh được 2,5 triệu người, trong đó hệ cao đẳng là 260 nghìn người; trung cấp chuyên nghiệp là 340.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1,9 triệu người.
Để đạt mục tiêu này, Tổng cục GDNN tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển GDNN gắn liền thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề.
Cụ thể, các địa phương đẩy mạnh, quan tâm hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ bậc Trung học cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia sâu vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Các cơ sở GDNN tiếp tục chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng việc làm của người học sau khi tốt nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả. Trong đó, vai trò của các cơ quan truyền thông cần tiếp tục được phát huy, như chính mục tiêu cụ thể mà Kế hoạch truyền thông đề ra trong giai đoạn 2021-2023, đó là “Xây dựng phát triển không gian truyền thông GDNN”
Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC