Theo đó, vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2022 là 394,483 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 394,293 tỷ đồng, đạt 99,99% kế hoạch vốn giao. Vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2023 là 759,892 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 703,001 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch vốn giao.
Sau khi được Trung ương phân bổ vốn, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời phân bổ và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý để các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Nhìn chung, việc thực hiện chương trình này đã và đang góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, cải thiện tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của khu vực miền núi với mức 7,37% trong năm 2022, vượt 4,37% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, xét về tổng thể, tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình còn thấp, nhiều dự án, tiểu dự án vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chậm. 10 tháng năm 2023, tiến độ giải ngân vốn giao thực hiện năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 là 100,847 tỷ đồng, đạt 39,88%; vốn giao thực hiện năm 2023 đã giải ngân 102,334 tỷ đồng, đạt 14,56% kế hoạch vốn đã phân bổ.
Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn của các dự án, tiểu dự án còn thấp chủ yếu là do có nhiều nội dung mới, nhiều chính sách tích hợp với cơ chế khác nhau và nhiều tổ chức tham gia cùng thực hiện nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung từ Trung ương đến cơ sở. Trong khi đó, công tác dân tộc là lĩnh vực tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nhạy cảm, phức tạp.
Hiện nay, nhiều huyện miền núi gặp khó khăn trong triển khai thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vốn giao để thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 147,66 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/9, toàn tỉnh mới giải ngân 13,03 tỷ đồng, bằng 8,83% kế hoạch phân bổ chi tiết. Nhiều huyện không thể giải ngân được nguồn vốn hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên do vướng mắc ở các quy định hiện hành.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn, góp phần tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện chương trình thuộc trách nhiệm của tỉnh, đảm bảo tiến độ đề ra.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan của tỉnh tăng cường hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đủ điều kiện giao kế hoạch chi tiết năm 2023; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được giao kế hoạch chi tiết, sớm giải ngân hết vốn trước ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong thực hiện Chương trình, các ban giám sát ở các địa phương tích cực hoạt động giám sát liên quan đến dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần từ khi tạo mặt bằng, thi công, tập kết nguyên vật liệu và bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Giá trị công trình được thông báo công khai đến người dân và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã./.