Theo UBND tỉnh Nghệ An, năm 2023, phát huy những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính (CCHC), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác CCHC.
Theo đó, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của các Sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo minh bạch. Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 1.768 TTHC. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành tích hợp, kết nối các hệ thống nhằm đảm bảo việc tiếp nhận xử lý hồ sơ được diễn ra thông suốt.
Tính đến ngày 10/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành 40 Quyết định với 780 TTHC được công bố (cấp tỉnh: 605 TTHC, cấp huyện: 114 TTHC, cấp xã: 61 TTHC). Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện đã được các Sở, ban, ngành tham mưu xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử theo đúng quy định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện việc phân loại giấy tờ, hồ sơ, thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực. Số hóa hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được thực hiện nghiêm túc, đạt tỷ lệ 90% hồ sơ. Đối với dữ liệu hộ tịch, toàn tỉnh đã thực hiện số hóa xong 1.831.439 dữ liệu; chuyển 1.656.443 dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để khai thác sử dụng (đạt 75%); hiện đang số hóa 346.000 dữ liệu.
Các đơn vị, địa phương đã triển khai việc số hóa và sử dụng kết quả số hóa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian khai thác hồ sơ, đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian chờ giải quyết chế độ chính sách cho người dân, giảm thiểu chi phí đi lại, chuyển trả kết quả và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá, công tác tham mưu CCHC ở một số đơn vị chưa hiệu quả. Công tác tự kiểm tra CCHC, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số đơn vị chưa thường xuyên, chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng tham mưu ban hành các đề án, nghị quyết, quyết định thực hiện theo Kế hoạch, chương trình công tác năm của UBND tỉnh bị chậm thời gian theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, UBND tỉnh Nghệ An đề ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách hành chính năm 2024: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đồng thời, xác định 10 giải pháp thực hiện CCHC trong năm 2024, cụ thể: Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo CCHC các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ CCHC từ tỉnh đến cơ sở, trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác của từng cá nhân và tổ chức.
Tăng cường tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện các chế độ chính sách hợp lý, khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị nhằm đẩy mạnh CCHC. Thực hiện đánh giá, xếp loại, xếp hạng CCHC các sở, ban, ngành, địa phương khách quan, chính xác. Tập trung chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông để hỗ trợ tốt cho công tác CCHC, tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát. Vận hành có hiệu quả và nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp.
Các cấp, ngành đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia của Nhân dân, tổ chức vào công tác CCHC. Tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc cung cấp các dịch vụ công của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt các nhiệm vụ và hoàn thành các mục tiêu Đề án, Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.
Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực tài chính phục vụ cho việc triển khai CCHC. Tăng cường khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp đánh giá các cơ quan hành chính nhà nước và đánh giá tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính (mỗi năm đánh giá 2 lần vào 6 tháng và cuối năm)./.