Kiểm toán hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Khai Quang - Vĩnh Phúc. Ảnh: Bích Ngọc
Kiểm toán môi trường ở Việt Nam - nỗ lực và rào cản
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, sự tự nguyện thực hiện KTMT và công bố thông tin về môi trường còn rất hạn chế. Yếu tố thúc đẩy lớn nhất tới hoạt động KTMT là sự quan tâm của người dân thì đây cũng chính là điểm yếu tại Việt Nam. Phần lớn người dân Việt Nam chỉ quan tâm đến những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của mình, còn những vấn đề có tác động gián tiếp và tác động chung mang tính vĩ mô thì rất ít người quan tâm.
Theo thời gian và qua một số vụ việc, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể như: nhiều vụ việc nghiêm trọng được giải quyết theo hướng tạm thời; việc kiểm tra về môi trường chủ yếu được thực hiện thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính hình thức của DN; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành; các chế tài luật pháp về môi trường chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu là xử phạt hành chính; chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia làm cơ sở cho các đối chiếu và kiến nghị của kiểm toán viên; các vấn đề đào tạo KTMT chưa được triển khai hiệu quả; các quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến kế toán môi trường trong các tổ chức, DN còn hạn chế, ảnh hưởng đến thông tin phục vụ cho KTMT…
Nhận thức được tầm quan trọng của KTMT đối với sự phát triển bền vững của đất nước, KTNN đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) vào năm 2008. Từ đó đến nay, KTNN đã nỗ lực điều phối các hoạt động trong kế hoạch phát triển KTMT, thành lập Nhóm công tác về KTMT với mục tiêu tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo KTNN trong việc định hướng và triển khai hoạt động kiểm toán đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường. Với bước khởi đầu này, KTNN đã tận dụng một cách có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, KTNN cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về KTMT với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài nhằm giúp cho các kiểm toán viên hiểu đúng và đầy đủ hơn về KTMT cũng như những lợi ích mà KTMT đem lại.
Tính đến thời điểm này, KTNN đã thực hiện thành công nhiều cuộc KTMT như: Kiểm toán hoạt động hệ thống xử lý nước thải y tế của các bệnh viện tuyến T.Ư trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Kiểm toán hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) năm 2016 và Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình) năm 2017. Qua đó, KTNN đã có những kiến nghị xác định đối với chính quyền địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ trong việc thực hiện cũng như giám sát những tác động môi trường của các tổ chức.
Tuy nhiên qua thực tiễn, kỹ năng của kiểm toán viên và hạ tầng công nghệ thông tin hiện vẫn đang là rào cản lớn đối với hoạt động KTMT của KTNN. Hiện nay ở nước ta, KTMT được coi là một loại hình kiểm toán đặc biệt, đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức rất rộng về các môn khoa học khác nhau như: địa lý, hóa học, kiểm toán… Việc thực hiện KTMT chủ yếu gồm 3 bước: Một là, thiết lập các tiêu chuẩn về môi trường (các cấp độ đánh giá thông thường phù hợp với các quy định gồm: khí thải, lượng tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu…); Hai là, đo lường thực tế các chỉ số trên và so sánh với các tiêu chuẩn đã được thiết lập; Ba là, báo cáo tuân thủ các tiêu chí về môi trường.
Để thực hiện được 3 bước trên, kiểm toán viên sẽ phải thực hiện các thủ tục kiểm toán sau: Thu thập chính sách và các quy định về môi trường của tổ chức; Đánh giá các chính sách, quy định có khả năng đạt được mục tiêu kiểm toán như: phù hợp yêu cầu pháp luật, thoả mãn các tiêu chí của khách hàng, nhà cung cấp; Thử nghiệm thực hiện và tuân thủ các chính sách và quy định (thảo luận, quan sát, kỹ thuật walkthrough)… Đây không phải là những công việc đơn giản, nhất là khi hệ thống thông tin của Việt Nam còn rất thiếu và yếu.
Đề xuất tăng cường vai trò của KTNN đối với kiểm toán môi trường
Thứ nhất, ban hành khung pháp lý thực hiện KTMT. KTMT bắt đầu bởi việc thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá, do đó, việc có các khung pháp lý chi tiết đối với yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường cho các ngành nghề, lĩnh vực là cần thiết. Có như vậy, công việc của KTMT mới được thực hiện. Hơn nữa, những quy định trong các luật định về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, tài nguyên, đất đai cần có quy định chi tiết về KTMT.
Thứ hai, KTNN cần ban hành chuẩn mực, hướng dẫn thực hiện KTMT. Hiện tại, KTNN Việt Nam chưa có những hướng dẫn cụ thể như các quốc gia khác trong KTMT. Việc ban hành văn bản pháp lý là cơ sở cho KTNN tiến hành thực hiện kiểm toán cũng như là cơ sở cho bên định giá xác định tiêu thức thực hiện.
Thứ ba, xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường phục vụ KTMT. KTMT được thực hiện dựa trên dữ liệu môi trường, bao gồm định tính và định lượng. Việc yêu cầu có một hệ thống dữ liệu môi trường là cần thiết để đảm bảo chất lượng cho các cuộc KTMT.
Thứ tư, áp dụng kỹ thuật, kiến thức trong KTMT. Các kỹ thuật kiểm toán và kiến thức sử dụng trong KTMT khá phức tạp, mang tính liên ngành. Trong khi đó, việc áp dụng kỹ thuật kiểm toán tiên tiến đòi hỏi chi phí và trình độ nhân sự. Vì vậy, các kiểm toán viên cần liên tục đổi mới phương pháp, kỹ thuật kiểm toán nhằm có được số liệu kiểm toán chính xác.
Thứ năm, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên. KTMT là một hoạt động phức tạp, các bước thực hiện kiểm toán và đánh giá càng cần phải thận trọng. Hệ thống pháp lý với số lượng lớn cần được kiểm toán viên cập nhật thường xuyên để duy trì yêu cầu về chuyên môn. Bên cạnh đó, tính thận trọng và hoài nghi nghề nghiệp là yêu cầu càng phải nhấn mạnh đối với kiểm toán viên của KTNN khi thực hiện kiểm toán.
Thứ sáu, KTNN cần tăng cường vai trò truyền thông về KTMT. Kết quả kiểm toán của KTNN sẽ góp phần nâng cao sự nhận thức và tăng cường sự quan tâm của người dân tới các vấn đề mang tính vĩ mô như yếu tố ảnh hưởng tới môi trường sống chung. Việc công bố thông tin kiểm toán sẽ giúp các DN, tổ chức cải thiện chất lượng sản xuất sản phẩm dịch vụ, hướng tới phát triển bền vững.
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019