Đạt chuẩn Basel II là đích đến của nhiều ngân hàng trong cả hiện tại và tương lai. Ảnh: P.Tuân
Mới có 6 ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II
Với mục tiêu tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển lành mạnh, an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt lộ trình triển khai Basel, lựa chọn 10 ngân hàng thực hiện thí điểm, tiến tới áp dụng đối với tất cả các ngân hàng. Năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41), trong đó yêu cầu từ ngày 01/01/2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Trong Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/ 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững được ban hành năm 2017, Chính phủ cũng đã yêu cầu đến năm 2020, các ngân hàng triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II; phấn đấu có 12 - 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo chuẩn mực này.
Thực hiện yêu cầu trên, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng thành lập Ban Quản lý Dự án triển khai Basel II; chuẩn bị nhân lực và hệ thống cơ sở hạ tầng data; chuyển đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu tài sản có rủi ro... Theo báo cáo của NHNN, đến nay, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn. 18/34 ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel II. Tuy nhiên, đây là con số được ghi nhận từ cuối năm 2019. Như vậy, hơn 10 tháng qua, không có thêm ngân hàng thương mại nào trong số 16 ngân hàng còn lại đạt chuẩn Basel II. Điều này phần nào cho thấy nhiều ngân hàng vẫn đang “dậm chân tại chỗ” trong hành trình tiến gần hơn tới thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Mặt khác, theo quy định, Basel II gồm 3 trụ cột: trụ cột 1 tập trung vào việc đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu; trụ cột 2 là quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP); trụ cột 3 tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin. Việc hoàn thành và áp dụng cả 3 trụ cột sẽ là nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của các ngân hàng an toàn và hiệu quả hơn. Thế nhưng thực tế, trong số 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, mới chỉ có 6 ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Ngân hàng TMCP Hàng Hải, còn lại 12 ngân hàng mới chỉ hoàn thành trụ cột 1.
Tiếp tục giải bài toán về vốn, công nghệ và cơ chế
Theo các chuyên gia, việc triển khai Basel II đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, năng lực thanh tra. Trong đó, quy trình ICAAP là nội dung khó hoàn thành nhất của các ngân hàng. Việc hoàn thành quy trình này đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện về vốn.
Thực tiễn cho thấy, tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II vẫn là thách thức lớn của các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu của nhiều năm trước. Chính bởi vậy mà cuối năm 2019, NHNN đã quyết định lùi thời gian cho các nhà băng chưa áp dụng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II đến trước ngày 01/01/2023, thay vì ngày 01/01/2021.
Mặc dù NHNN đã lùi thời gian áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II cho các nhà băng nhưng việc hoàn thành đúng hẹn yêu cầu này được các chuyên gia nhận định là sẽ không dễ dàng. Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 đã kéo theo những khó khăn cho nền kinh tế và thị trường vốn. Các ngân hàng đang phải dành nguồn lực để cơ cấu lại nợ, giảm lãi, giảm phí hỗ trợ khách hàng, giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch. Báo cáo tài chính 9 tháng năm 2020 của các ngân hàng cho thấy, nhiều nhà băng giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng, nợ xấu tăng. Do đó, việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II sẽ tiếp tục là thách thức của các ngân hàng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, để có thể về đích Basel II, các ngân hàng cần phải giải được bài toán về vốn. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông - cho rằng, ngay trong giai đoạn chuẩn bị, các ngân hàng phải có thông tin đầy đủ và dữ liệu “sạch”. Bởi lẽ, nếu không có dữ liệu và thông tin đầy đủ thì không thể đánh giá được chính xác hiện trạng của ngân hàng.
ThS. Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục IV, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) - cũng khẳng định, yếu tố then chốt là phải sớm triển khai thu thập dữ liệu thông tin vừa đảm bảo độ dày, sâu và sạch. Đây là thách thức lớn và căn bản, mang tính quyết định việc thực hiện thành công Basel II của ngân hàng... Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục IV, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho rằng, NHNN cần xây dựng khung khổ pháp lý đảm bảo nguyên tắc Basel II và phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Basel II là phiên bản thứ 2 của Hiệp ước vốn Basel, quy định các nguyên tắc chung mà ngân hàng thương mại phải tuân thủ và được hầu hết các ngân hàng trên thế giới áp dụng. Tuân thủ Basel II sẽ giúp ngân hàng đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn. |
THÀNH ĐỨC