Để tài nguyên rừng thực sự là “vàng”

(BKTO) - Trên 23.000 tỷ đồng được thu về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương (giai đoạn 2011-2022); 83% nguồn lực đầu tư cho phát triển rừng là nguồn vốn xã hội… Đây là những minh chứng điển hình cho chủ trương xã hội hóa trồng, bảo vệ rừng đang mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác phát triển rừng hiện nay.

dsc_0233.jpg
Những nỗ lực của Nhà nước, toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022. Ảnh: N.Lộc

Xã hội hóa giúp phát triển rừng và tăng nguồn lợi từ rừng

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu hécta rừng, trong đó có 4,6 triệu hécta rừng trồng; nhờ đó đã tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 14,12 tỷ USD. Năm 2022, ngành gỗ vẫn xuất khẩu được 15,8 tỷ USD sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,65 tỷ USD... 

“Giá trị từ rừng còn rất lớn, điều quan trọng là phải làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, từ đó đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Muốn làm tốt công tác này thì Nhà nước cần phải phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác xã hội hóa phát triển rừng” - ông Hoài cho biết.

Khẳng định sự nỗ lực, chung tay của các cấp, ngành và các thành phần kinh tế góp phần rất quan trọng vào phát triển rừng, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) Trần Quang Bảo cho biết, chỉ tính riêng từ 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696 nghìn hécta rừng trồng tập trung; trồng khoảng 277 triệu cây phân tán. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 445.480 hécta; diện tích chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 63.341 hécta…

“Nhờ chính sách giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi… đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện phát triển rừng” - ông Bảo cho biết.

Trong tổng nguồn vốn dành cho trồng, phát triển rừng, từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân

Theo Cục Lâm nghiệp, việc tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là một điển hình thành công của ngành lâm nghiệp trong việc huy động hiệu quả nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng, với tổng nguồn thu là trên 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011-2022. Ngoài ra, các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới…

Ông Hà Đăng Chỉnh (Công ty cổ phần Woodsland) cho rằng, việc trồng rừng sản xuất cũng mang nhiều rủi ro bởi chu kỳ kinh doanh dài, cùng nguy cơ đến từ các sự cố cháy rừng, thiên tai… Do đó, Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích, tạo động lực để các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tích cực tham gia đầu tư trồng, bảo vệ rừng.

Đảm bảo chính sách cho xã hội hóa phát triển rừng

Có thể nói, chủ trương xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng đang ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Điều quan trọng là cần đảm bảo các chính sách được thực thi tốt để tạo động lực cho các thành phần trong xã hội cùng tham gia hưởng ứng chủ trương này.

Cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Phải có sự chung tay của Nhà nước, người dân, các thành phần trong xã hội thì lúc đó, tài nguyên rừng mới là tài nguyên “vàng”

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hoá Cao Văn Cường, xã hội hóa trồng rừng nên được hiểu là sự tham gia của các thành phần kinh tế trong trồng rừng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế ràng buộc và bảo đảm hài hoà yếu tố lợi ích để các bên cùng thực hiện...

Triển khai xã hội hóa, Nhà nước đang thực hiện chi trả tiền chăm sóc, bảo vệ rừng cho người dân thông qua chính sách giao khoán trồng, bảo vệ rừng và chính sách này đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, việc chi trả nguồn kinh phí này còn chậm, mức kinh phí còn thấp. 

Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho biết, từ năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình các xã vùng núi, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) cho biết thêm rằng, nguồn chi cho khoán bảo vệ rừng không thống nhất, định mức cho giao khoán bảo vệ rừng cần nâng lên. “Người dân phải qua khâu thuê khoán lại từ các vườn quốc gia, khu bảo tồn nên nguồn định mức đến người dân rất ít” - đại biểu cho biết, đồng thời kiến nghị xem xét điều chỉnh mức chi hiện nay.

dsc_0054.jpg
Cần tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng, để người dân thấy được lợi ích từ bảo vệ rừng. Ảnh: N.Lộc

Trước các vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh xuất phát từ nhiều lý do, song trách nhiệm thuộc về Bộ NNPTNT.

“Với trách nhiệm là thành viên Chính phủ và được giao quản lý lĩnh vực này, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ cấp bù số kinh phí này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Về ý kiến cần nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ NNPTNT cho biết, do nguồn lực lại hạn chế, nên các Bộ, ngành đều thống nhất là từ 400.000 - 600.000 đồng/hécta

Bộ trưởng cũng cho rằng, nên tiếp cận vấn đề này ở một khía cạnh khác, ngoài kinh phí bảo vệ rừng, cần tạo ra sinh kế dưới tán rừng để cộng đồng bảo vệ rừng, ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm có nhiều việc làm.

Vì vậy, Bộ NNPTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng… để người dân có thêm kế sinh nhai từ rừng, thấy được lợi ích khi bảo vệ rừng để chung tay phát triển rừng.

Cùng chuyên mục
Để tài nguyên rừng thực sự là “vàng”