Thị trường đã có dấu hiệu tích cực, niềm tin đã trở lại
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính - ông Nguyễn Hoàng Dương - cho biết, sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022 cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường TPDN bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/3023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu (Nghị định 08), thị trường TPDN đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu. Nếu như quý I/2023 hầu như không có đợt phát hành nào, thì từ quý II trở đi, khối lượng phát hành tháng sau đều cao hơn tháng trước. Tính đến hết tháng 11/2023, có 77 doanh nghiệp phát hành TPDN, khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.
Chúng ta có thể cân nhắc xây dựng cơ sở dữ liệu về trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mang tính chất toàn thị trường. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính về hồ sơ, giấy tờ sẽ được giảm thiểu.
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI
Đáng nói, căn cứ Nghị định 08, doanh nghiệp và trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Đến nay, khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán, tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% (tháng 02/2023) lên 63% (tháng 10/2023). Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.
Về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực - đánh giá, thời gian qua, Chính phủ có các nhóm chính sách quyết định sự phục hồi thị trường TPDN, đó là: Sự ra đời Nghị định 08 - quyết sách chưa từng có tiền lệ; việc đưa vào vận hành hệ thống TPDN riêng lẻ tập trung; đã phát triển một số điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn, ví dụ thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm... Đặc biệt, các vụ việc vi phạm TPDN đã được xử lý quyết liệt vừa qua. Các chính sách đó giúp thị trường TPDN đang phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước. Đơn cử, tháng 9, TPDN đã phát hành là 29.500 tỷ đồng, tháng 10 đã phát hành là 41.000 tỷ đồng… “Rõ ràng thị trường phục hồi tuy còn rào cản, nhưng thị trường đang phục hồi tích cực, niềm tin phục hồi trở lại... Đây là các dấu hiệu giúp thị trường phát triển tốt hơn” - ông Lực nhấn mạnh.
Thông tin thêm, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - ông Nguyễn Anh Phong - cho hay, kể từ khi Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động (ngày 19/7/2023), đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này. Hiện nay, quy mô giao dịch trung bình một phiên đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tổng 5 tháng kể từ khi đi vào giao dịch đến nay khoảng trên 1.200 tỷ đồng một phiên. Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường, đồng thời góp phần tác động lại thị trường phát hành sơ cấp. “Điều này thể hiện chính sách đã đi vào cuộc sống và thị trường có niềm tin trở lại” - ông Phong nhận định.
Cần sự chung tay và sự đồng bộ chính sách
Để thúc đẩy sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường TPDN thời gian tới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, cần sự chung tay của tất cả các bên, bởi đây không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan nhà nước, của Bộ Tài chính hay các thị trường chứng khoán, trái phiếu. Theo đó, trước hết, phải có sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện về mặt thể chế. Thứ hai, không thể thiếu hành động của tổ chức phát hành và đơn vị trung gian. Một số vi phạm vừa qua cũng là cơ hội để các tổ chức phát hành có uy tín, chất lượng có thể vươn lên, bứt phá hoặc tạo ra niềm tin riêng của mình. Thứ ba, không thể thiếu sự tham gia, hành động của chính những trái chủ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hoàng Dương nhấn mạnh những giải pháp đồng bộ về kinh tế vĩ mô và các thị trường có liên quan như: Thị trường bất động sản, thị trường tín dụng. Theo phân tích của ông Dương, tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Nếu doanh nghiệp phát hành tốt lên thì mọi thứ sẽ được giải tỏa. Hiện nay, một trong những vướng mắc nhất của thị trường bất động sản là tính pháp lý của các dự án - chiếm khoảng 70-80% khó khăn của thị trường này. Nếu yếu tố chính sách, thủ tục được giải quyết thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ nhanh chóng kết thúc được các dự án, đưa sản phẩm ra thị trường bán để thu tiền về và sẽ giải tỏa được tất cả các nghĩa vụ nợ với ngân hàng, nợ TPDN.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh yêu cầu phải đồng bộ chính sách thì mới tháo gỡ được các khó khăn của thị trường TPDN. Đơn cử, thị trường doanh nghiệp sẽ liên thông với thị trường tín dụng thì cũng cần tiếp tục tháo gỡ. Thị trường bất động sản thì còn rào cản khá lớn về pháp lý. Chuyên gia này mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán vì Việt Nam đang ở vị thế rất tốt.
Bên cạnh đó, ông Lực khuyến nghị tăng cường truyền thông, đặc biệt là giáo dục tài chính cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên có liên quan. Đáng chú ý, chuyên gia này đề xuất đưa giáo dục tài chính vào chương trình học cấp 3 như một môn học phổ thông giống như nhiều nước khác đang làm. “Hiện nay, các nước đã đưa ra hướng phải quan tâm hơn đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khá chung chung, chưa có phân nhóm riêng, phân ngạch riêng và quyền lợi của người tiêu dùng tài chính. Chúng ta cần quan tâm hơn đến rủi ro của hệ thống tài chính liên thông với bất động sản, đồng thời kiến tạo để phát triển” - ông Lực nêu quan điểm./.