Ảnh minh họa |
Tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp
Nhóm giải pháp đầu tiên là về bảo hiểm xã hội. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thời gian hỗ trợ tạm dừng đóng tối đa 12 tháng (không tính lãi chậm đóng) kể từ tháng doanh nghiệp có văn bản đề nghị gửi cơ quan BHXH. Với đề xuất trên, Bộ LĐ-TB&XH ước tính nếu thực hiện cho khoảng 1,5 - 3 triệu lao động (tương ứng với 105 - 211 ngàn doanh nghiệp), số tiền dừng đóng và miễn lãi chậm đóng khoảng từ 24,7 - 49,5 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị sức khỏe (không được hưởng tiền lương) và có xác nhận của cơ sở y tế thì được xem xét, giải quyết chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về BHXH.
Nhóm giải pháp thứ hai là về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
Các doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020 và thời gian này được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Khoảng 350.000 lao động được vay vốn ưu đãi
Với nhóm hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay tiền để trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Với nhóm chính sách hỗ trợ từ Ngân sách địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp bị giải thể, phá sản trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Các địa phương nghiên cứu, xử lý tạm ứng từ ngân sách địa phương, được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đủ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với chính sách tín dụng đối với lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất kinh doanh) để tạo, duy trì và mở rộng việc làm, ưu tiên đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ ở khu vực thành thị.
Thời hạn vay tối đa 12 tháng; lãi suất vay: 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Cơ quan cho vay là Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đề xuất này hướng tới hỗ trợ cho khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh (mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở), số tiền huy động cần 20.000 tỷ. Do vậy, kinh phí cấp bù lãi suất khoảng 800 tỷ đồng.
Cuối cùng, nhóm giải pháp thứ 6 là đề xuất liên quan tới dừng đóng, giảm kinh phí công đoàn. Theo đó, xuất phát từ tình hình thực tiễn sản xuất kinh doanh hiện tại và nguyện vọng của doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nỗ lực tái cơ cấu để ổn định, phát triển sản xuất, Bộ LĐ-TB&XH đã trao đổi với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các phương án trước mắt tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đồng thời nghiên cứu giảm mức kinh phí trong thời gian tới.
Theo dangcongsan.vn