Doanh nghiệp phải chiến đấu trên 3 mặt trận trong đại dịch Covid-19

(BKTO) - “Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các DN sẽ hành động, chống đỡ thế nào?” - Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nêu câu hỏi và đã trả lời: “Chúng ta cần chống đại dịch trên 3 mặt trận: chống dịch, chống suy thoái DN và chống thất nghiệp”.




Nhiều ki-ốt khu mua sắm trên đường Biệt Thự (TP. Nha Trang) đóng cửa do buôn bán ế ẩm. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp lao đaovì ảnh hưởng của dịch bệnh

Bối cảnh hiện nay đang đặt nhiều DN vào tình huống cực kỳ cam go. Bởi theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với 1.200 DN, có tới 74% DN cho biết sẽ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu của DN không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động, như: trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Tính từ khi xuất hiện dịch bệnh đến thời điểm khảo sát vừa qua, có tới 60% DN cho biết họ đã giảm hơn một nửa doanh thu và gần 30% DN cho biết doanh thu của họ đã bị giảm từ 20 - 50%.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là: du lịch, giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ... Rất nhiều DN ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, không có học sinh đến trường.

Khó khăn được nhận định càng lớn hơn đối với các DN nhỏ và vừa. Trong vai trò Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ông Trương Gia Bình cho biết, năng lực ứng phó của các DN nhỏ và vừa rất thấp, không nhiều DN chủ động được các biện pháp ứng phó nên tác động của đại dịch này tới “sức khoẻ” DN càng lớn.

Số liệu minh chứng là khoảng 20% DN chia sẻ rằng họ không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh.

Thực tế này một mặt cho thấy sự bị động của các DN, mặt khác phản ánh năng lực của các DN còn hạn chế và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng, suy thoái DN có thể xảy ra sau đại dịch. Khả năng nhiều DN phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động, chứ không chỉ riêng thiệt hại của DN. Do đó, các DN kiến nghị Chính phủ có chính sách giải cứu như: giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho DN và giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ...

Trong khi đó, các DN lớn cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo Tập đoàn Sun Group, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu của Tập đoàn, nhưng 2 tháng đầu năm nay đã giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể giảm tới 7 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm khiến doanh thu dự kiến giảm tới 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10 - 20%. Thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn đại diện Hãng hàng không Vietjet cho biết, DN đang phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.

“Khó khăn gấp đôi nhưng phải cố gắng gấp ba”

Tuy nhiên, khi nhìn thực trạng theo hướng tích cực hơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng, khủng hoảng cũng tạo ra động lực cho DN. Chẳng hạn, trong bối cảnh dịch bệnh, cơ hội của thị trường trực tuyến mở ra. Do đó, Masan đã có kế hoạch phát triển, thu hút khách hàng mua sắm trực tuyến, không cần trực tiếp đến siêu thị. Quan điểm này cũng được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đồng tình, lúc này, DN nên chuyển mọi thứ lên online, tăng cường chất lượng dịch vụ nội bộ. Thực tế, FPT đang xây dựng các công cụ làm việc trực tuyến để duy trì mức làm việc như cũ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - cho rằng, trong bối cảnh này, các DN phải gắn kết với nhau để cùng gia tăng giá trị. Đồng thời, cần thoát khỏi tư duy “mạnh ai nấy lo” để cùng bàn và đưa ra các kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các Bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn, DN tư nhân diễn ra mới đây, các DN đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn để gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, hỗ trợ thuế gần 30.000 tỷ đồng nhanh được triển khai tới các DN. Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào; giảm giá điện, nước; miễn giảm thuế...

Động viên, khích lệ tinh thần của các DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ có chương trình tổng thể để hỗ trợ DN một cách toàn diện, giảm chi phí cho DN, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng một chương trình toàn diện phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, những ngành nghề thiệt hại nặng nề sẽ được tập trung nhiều hơn, bao gồm cả các chương trình kích cầu.

Đối với các DN, Thủ tướng đề nghị, cần phải có các kịch bản tự ứng phó để bảo đảm hoạt động của DN là liên tục, không bị gián đoạn. DN phải chủ động để nắm bắt thời cơ, phải có một ý chí mới, có tinh thần và khát vọng phát triển mạnh mẽ để khi qua đại dịch, như chiếc “lò xo” bị nén lại, DN phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy thành cơ. Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển.

Tinh thần chung được Thủ tướng và các tập đoàn, DN tư nhân xác định rõ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu hiện nay là Việt Nam phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội và chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển; với các DN là vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Giá dầu giảm "sốc", doanh nghiệp dầu khí lo lắng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Ngày 18/3/2020, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24-25 USD/thùng. Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20USD/thùng trong những ngày tới.
  • Giá dầu thế giới giảm, PVN cân nhắc tăng dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, ngành dầu khí cũng không phải là ngoại lệ. Vậy với ngành dầu khí Việt Nam, giải pháp ứng phó nào là phù hợp trong bối cảnh này?
  • VN-Index rơi xuống thấp nhất trong hơn 3 năm qua
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều 20/3, đặc biệt trong đợt khớp ATC đã khiến bộ ba nhà Vingroup lần lượt nằm sàn và đẩy VN-Index về mức thấp nhất trong hơn 3 năm khi để thủng mốc 710 điểm.
  • Bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó, đề xuất cụ thể về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư dự án PPP, đảm bảo cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và quy định bảo đảm dự thầu từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư dự án.
  • Nâng cao "sức khỏe" của DN trước đại dịch
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN đang chủ động, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục và tự nâng cao “sức khỏe” trước đại dịch.
Doanh nghiệp phải chiến đấu trên 3 mặt trận trong đại dịch Covid-19