Đề xuất đầu tư hơn 25,5 nghìn tỷ đồng xây dựng cao tốc qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp chiều 17/4, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

bt-thang17.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: VPQH

Tạo động lực phát triển khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án trọng điểm quốc gia. Việc triển khai Dự án không chỉ tạo động lực, sức lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc theo quy hoạch liên kết vùng.

Dự án có điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh (QL.14) tại Km1915+900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tổng chiều dài khoảng 128,8km.

Theo quy hoạch, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Về tiến độ dự kiến, Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026.

Để thực hiện Dự án, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư.

toan-canh17.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động của Dự án đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để làm rõ hơn sự cần thiết, cấp thiết của Dự án; làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2 km của Dự án theo quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, để bảo đảm kết nối đồng bộ với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư (giảm thiểu chi phí trong quá trình nâng cấp, mở rộng sau này); làm rõ hơn tính hấp dẫn của Dự án đối với các nhà đầu tư.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong thực hiện phương án bồi thường, tái định cư, bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án; bổ sung các giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho Dự án…

Tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí việc xây dựng tuyến đường quan trọng này, qua đó góp phần rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo ra dư địa mới cho sự phát triển của các địa phương.

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Dự án, ông Bùi Văn Cường đề nghị cần rà soát theo hướng những nội dung gì khác với luật thì mới đề xuất đặc thù, còn những nội dung nào mà luật đã quy định thì không cần xin cơ chế đặc thù.

manh17.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Quan tâm đến nguồn vốn thực hiện Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, 50% vốn thực hiện Dự án được dự kiến bố trí từ ngân sách nhà nước (12.770 tỷ đồng), trong đó, ngân sách trung ương dự kiến là khoảng 10.536 tỷ đồng, ngân sách địa phương là khoảng 2.233 tỷ đồng.

Qua quá trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 vừa qua cho thấy, một số địa phương khi triển khai thực hiện cam kết về đóng góp ngân sách cho các công trình lớn quốc gia cũng gặp khó khăn. Trong khi thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn không nhiều, ngân sách của địa phương eo hẹp, ông Lê Quang Mạnh đề nghị các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng; Chính phủ cần có thêm biện pháp để cùng các địa phương đảm bảo bố trí được nguồn ngân sách của địa phương.

UBTVQH đề nghị Kiểm toán nhà nước có văn bản tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ băn khoăn về thời gian, tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai Dự án. Theo đó, cần có sự khẳng định của lãnh đạo các địa phương, trong đó cần quan tâm, tính toán đến phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng lưu ý, các địa phương có dự án đi qua cũng đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có phần vốn đối ứng thực hiện dự án. Do vậy, cần có kế hoạch bố trí nguồn vốn vừa phục vụ giải phóng mặt bằng triển khai cao tốc, vừa đảm bảo thực hiện đúng tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để đảm bảo đầu tư dự án phù hợp với các quy hoạch, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất, đề xuất tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái. Đồng thời, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai để có giải pháp đến năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án.

Cùng chuyên mục
  • Đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế
    17 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á mới công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh: Đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
  • Thị trường bất động sản miền Bắc sẵn sàng tăng tốc
    24 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc được đánh giá đang khá hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển.
  • Bộ Nông nghiệp đã giải ngân hơn 2.149 tỷ đồng, thuộc tốp đầu cả nước
    27 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Tính đến hết quý I/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải ngân được 2.149 tỷ đồng, tương đương 21,6% kế hoạch của năm.
  • Chứng khoán Nhật Bản và Mỹ bứt phá mạnh trong quý đầu năm
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Thị trường chứng khoán tại hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong ba tháng đầu năm 2024. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lần đầu tiên vượt mốc lịch sử 40.000 điểm nhờ đồng yen yếu giúp cải thiện xuất khẩu, kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu thiết bị bán dẫn AI tăng cao. Trong khi đó, tại phố Wall, chỉ số S&P 500 tăng hơn 10%, ghi nhận quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019 nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, thị trường lao động sôi động và kỳ vọng tránh được suy thoái.
  • Tài sản nhóm siêu giàu Mỹ đạt đỉnh mới nhờ cổ phiếu
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Sự giàu có của giới nhà giàu tại Mỹ tiếp tục đạt kỷ lục mới trong quý 4/2023, chủ yếu nhờ làn sóng tăng giá trên thị trường chứng khoán. Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tài sản của nhóm 1% người giàu có nhất đã tăng thêm 2 nghìn tỷ USD, lên tới mức 44,6 nghìn tỷ USD. Sự phân hóa giàu nghèo ở nước Mỹ ngày càng rõ nét khi lợi ích từ thị trường tài chính đổ dồn về nhóm thu nhập cao nhất, trong khi người trung lưu và nghèo khó có thể hưởng lợi từ nó.
Đề xuất đầu tư hơn 25,5 nghìn tỷ đồng xây dựng cao tốc qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước