Vì sao sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức?

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 25/02/2023 19:18

(BKTO) - Được quy định khá rõ trong Bộ Luật Lao động cũng như Luật An toàn vệ sinh lao động song việc khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe cho công nhân khu công nghiệp (KCN) hiện chưa được quan tâm đúng mức, nhiều doanh nghiệp thực hiện cho có.

cham-soc-suc-khoe.jpg
Theo phản ánh của NLĐ, việc khám sức khỏe tại doanh nghiệp chủ yếu là đo huyết áp,
nhịp tim. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp chưa coi trọng, công nhân cũng không mặn mà

Thực tế, việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) tại các KCN, doanh nghiệp chưa được coi trọng, nhiều nơi làm cho có. Thậm chí theo phản ánh của NLĐ, nhiều doanh nghiệp chỉ thuê dịch vụ phòng khám đa khoa tư khám thiên về lâm sàng, bác sỹ hỏi tình trạng rồi ghi vào sổ khám.

7 năm gắn bó với Công ty, anh Nguyễn Văn Quê - công nhân KCN Khai Quang, Vĩnh Phúc - cho biết, hằng năm, Công ty cũng tổ chức khám bệnh cho NLĐ nhưng anh thường viện lý do để không đi. Theo anh Quê, việc khám sức khỏe chỉ là đo huyết áp, nhịp tim, khám họng… Trong khi đó, do đặc thù công việc nên anh thường xuyên phải đi viện khám định kỳ bảo hiểm y tế (BHYT).

“Công việc thường xuyên tiếp xúc với bụi mịn từ máy móc nên nguy cơ mắc bệnh về phổi, lao rất lớn. Vì thế, mỗi năm, tôi thường đi xét nghiệm, sàng lọc lao phổi một lần. Nhờ có BHYT nên chi phí tôi phải đóng thêm chỉ hơn 1 triệu đồng/lần khám và xét nghiệm” - anh Quê cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe cũng như có điều kiện để tự đi xét nghiệm, sàng lọc định kỳ như anh Quê, nhất là với công nhân thu nhập thấp phải tằn tiện mới đủ sống, khoản tiền hơn 1 triệu đồng đi khám, sàng lọc bệnh nghề nghiệp hằng năm không phải ít.

Đó là chưa kể có những công nhân không đi khám vì muốn “tiết kiệm” từng ngày phép. “Dù mỗi năm có 12 ngày nghỉ phép nhưng phải dành phòng lúc con ốm, gia đình có việc quan trọng hoặc về quê. Việc đi khám BHYT tại các cơ sở y tế mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì thế, tôi chỉ thực sự đi viện khám khi bệnh quá nặng, còn những lúc đau ốm, ho, sốt, tôi tự mua thuốc về điều trị”, chị Nguyễn Thị Thắm - công nhân KCN Bá Thiện, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc giãi bày.

Cũng theo chị Thắm, hằng năm, Công ty cho khám sức khỏe định kỳ nhưng chỉ được khám tại những cơ sở y tế huyện nên cơ sở, thiết bị nghèo nàn. Việc khám chỉ thiên về kiểm tra tim mạch, tai, mũi họng, những bệnh nghề nghiệp, phụ khoa hầu như không được thăm khám.

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, thực tế, NLĐ hiện nay rất ngại đi khám để phát hiện ra bệnh nghề nghiệp. Lý do là bởi NLĐ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh nghề nghiệp nhưng bản thân họ rất sợ nếu phát hiện ra bệnh thì có thể bị nghỉ việc.

Cũng theo bà Ngân, hiện nay, chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm và gây bệnh hoặc giới thiệu NLĐ đi giám định, làm các hồ sơ, thủ tục để có thể được hưởng các quyền lợi về bệnh nghề nghiệp.

Giảm gánh nặng tài chính cho cả doanh nghiệp và người lao động

Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết an toàn vệ sinh lao động năm 2022 của Cục An toàn vệ sinh lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, gần 1,46 triệu người lao động đang làm việc tại các KCN được khám sức khỏe định kỳ (giảm 17% so với năm 2020).

Số NLĐ đạt sức khỏe tốt (loại 1 và 2) chiếm 65,7%. Tỉ lệ đạt sức khỏe loại 3 là 20,8%. NLĐ có sức khỏe yếu (loại 4, 5) chiếm khoảng 13,5%, tăng 4,6% so với năm trước.

Đáng chú ý, tổng số trường hợp NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 205.755 trường hợp (giảm khoảng 40% so với năm 2020). Như vậy, số lao động được khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp hiện nay còn rất thấp với số lượng NLĐ trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố có hại trong quá trình làm việc.

Theo TS,BS. Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế (Bộ Y tế), nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe NLĐ là rất lớn để phát hiện sớm các bất thường sức khỏe phát sinh trong quá trình lao động. Nhưng đến nay, vẫn thiếu mô hình y tế lao động để chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Điều này không chỉ để lại nhiều mối nguy cho sức khỏe NLĐ mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp vì sức khỏe NLĐ cũng chính là yếu tố quan trọng để giữ ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Trung cho biết thêm, Luật An toàn vệ sinh lao động (Luật số 84) đã quy định rõ ràng về nội dung chăm sóc sức khỏe đối với NLĐ tại Điều 21. Việc khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ đã có các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ. NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

Tuy nhiên trong thực tế, một số DN chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đúng là do chưa hiểu biết về những quy định của Luật hoặc do tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp. Mặt khác, công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc khám sức khỏe đến NLĐ cũng như người sử dụng lao động chưa đầy đủ dẫn tới việc doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề này.

Để các DN tuân thủ việc khám sức khỏe cho công nhân, theo các chuyên gia, cần hướng dẫn cụ thể về chi phí khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trong Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Bảo hiểm Xã hội để doanh nghiệp giảm chi phí khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời, cần tăng mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp để giảm gánh nặng tài chính với chính gia đình của họ, giúp họ sớm phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập thị trường lao động./.

Cùng chuyên mục
Vì sao sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức?