Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh:quochoi.vn |
Không nên “cưỡng ép” việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật DN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật DN, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định về hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật, mà ban hành một nghị định về hộ kinh doanh vì tính chất và quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh rất khác DN. Một số ý kiến đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật DN để có cơ sở ban hành các chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh.
Về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật DN như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để có một chương quy định đầy đủ về hộ kinh doanh như bổ sung một số quy định làm rõ cơ chế, chính sách đối với hộ kinh doanh để tạo sự công bằng giữa các loại hình.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ủng hộ mạnh mẽ việc luật hoá quy định về hộ kinh doanh. Bởi theo ông Lộc, quy định như vậy sẽ giải tỏa được một điểm nghẽn pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đối với DN; đồng thời quy định này được xem là dấu ấn lập pháp lớn về DN của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN là không hợp lý.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, đặc điểm của DN Việt Nam, đặc biệt là kinh doanh, không giống nước nào cả. Hình thức này rất đa dạng, rất linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục, nếu đưa vào luật vừa “bó tay, bó chân”, vừa không phù hợp. “Quan điểm của tôi là chúng ta thừa nhận hộ kinh doanh tồn tại với các thành phần kinh tế khác và được hướng dẫn riêng bằng một nghị định của Chính phủ cho linh hoạt theo mức độ hoạt động linh hoạt và đa dạng của DN”- ông Giàu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh:quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bản chất của hộ kinh doanh không phải là DN, nên nếu đưa vào Luật DN thì không đúng. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc không đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật này không ảnh hưởng gì hoạt động sản xuất, kinh doanh, không gây ách tắc, cản trở gì đối với hộ kinh doanh, nhưng đưa vào đây không đúng bản chất là DN. Tên luật là Luật DN thì đối tượng, phạm vi phải là DN.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH cho phép tiến hành tổng kết hộ kinh doanh và ban hành một luật riêng. “Việc ra một luật như vậy sẽ phát triển được hộ kinh doanh mà quản lý cũng tốt, không nên cưỡng ép để đưa vào Luật DN”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm.
Đồng tình quan điểm khẳng định hộ kinh doanh không phải là DN, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đến giờ phút này tất cả ý kiến đại biểu đều thống nhất cần luật hoá quy định về hộ kinh doanh, chỉ khác nhau là luật hoá ở luật này hay luật riêng.
Theo Bộ trưởng thì luật hoá ngay có lợi cho hộ kinh doanh, có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Bởi vậy, nên quy định tại Luật DN (sửa đổi) sau này khi tách ra thì nhấc toàn bộ chương về hộ kinh doanh sang luật mới, chứ chờ làm luật riêng thì sẽ kéo dài thêm mấy năm nữa. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, nên đề nghị UBTVQH cho đưa ra Quốc hội biểu quyết lựa chọn phương án có làm luật riêng hay không.
Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ đã đảm bảo quyền chi phối
Một vấn đề lớn khác còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi) là sửa đổi khái niệm DNNN.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm DNNN phải bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 12); một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, có quy định phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN, đồng thời xác định tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước để làm cơ sở phân loại, sắp xếp DNNN.
Thảo luận vấn đề này, một số ý kiến trong UBTVQH cũng đồng tình phải tuân thủ nghị quyết 12 của Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải khẳng định DNNN là DN mà Nhà nước nắm cổ phần có quyền biểu quyết với tỷ lệ chi phối trong DN. Chi phối đó tùy thuộc vào từng loại DN. Khi đã nắm chi phối rồi thì dù Nhà nước nắm giữ 50%, 60% hay 100% vốn điều lệ thì vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong Luật DN hiện nay đã có quy định là những vấn đề thông thường thì trên 50% là có quyền quyết định. Những vấn đề quan trọng phải từ 65% trở lên nhưng phải được trên 50% đồng ý. Vì vậy, theo Bộ trưởng, nếu chúng ta lấy mức từ 50% trở lên thì chúng ta đã đảm bảo được quyền chi phối của Nhà nước. Vì kể cả những vấn đề bình thường và những vấn đề quan trọng đều phải có sự quyết định và có ý kiến của trên 50%. Quy định trên 50% là phương án hợp lý, cũng phù hợp và tương thích với hệ thống pháp luật hiện nay và phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với quốc tế và có thể thực hiện được ngay.
Mặt khác, qua rà soát chỉ có 2 luật chịu tác động của việc sửa đổi khái niệm DNNN là Luật NSNN và Luật Thủy lợi. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng đã có phương án đề nghị thêm một cụm từ “doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối” vào sau “doanh nghiệp nhà nước” tại Dự thảo Luật.
Đ. KHOA