Chuyển đổi số, tích hợp dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Triển khai chương trình chuyển đổi, tích hợp dữ liệu về dân cư với dữ liệu từng lĩnh vực, các Bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện và đạt kết quả tích cực, góp phần phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Đây là những điều kiện tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, theo định hướng hiện nay của Chính phủ.

huong-dan-nguoi-dan-thuc-hi.jpg

Chuyển đổi số, tích hợp dữ liệu là xu thế

Khám bệnh không cần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), rút tiền không cần thẻ ngân hàng vật lý…, người dân chỉ cần căn cước công dân (CCCD) gắn chip để sử dụng các dịch vụ này. Đây chỉ là một trong rất nhiều lợi ích của việc tích hợp dữ liệu trên thẻ CCCD gắn chip mà mỗi người dân, doanh nghiệp (DN) có thể khai thác, hiện đang được Chính phủ đẩy mạnh triển khai, với nền tảng là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai thành công ứng dụng CCCD gắn chip trong các giao dịch tại khu vực tự phục vụ (ATM). Theo đó, khách hàng có thể rút tiền mặt từ thẻ ATM bằng chính thẻ CCCD gắn chip và hoàn thành trong thời gian chưa đầy hai phút. Còn theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 16/5, toàn quốc đã có 12.427 cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, chiếm gần 97% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm hạn chế, ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ.

Đến nay, ngành thuế cũng hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về thuế với dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong cơ sở dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, việc tích hợp đối với các ứng dụng, như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… đã và đang được triển khai khai tích cực.

Nhấn mạnh chuyển đổi số, tích hợp dữ liệu là xu thế, TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - kỳ vọng, khi Đề án 06 hoàn tất, số dịch vụ được triển khai thông qua CCCD gắn chip sẽ không dừng ở con số như hiện nay. Điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nỗ lực chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Nỗ lực để tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa

Từ góc nhìn tổng quan, có thể thấy việc thực hiện tích hợp dữ liệu, chuyển đổi số thời gian qua đã có những bước chuyển đáng khích lệ, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, DN tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, việc triển khai thành công Đề án 06 được xem là nền móng vững chắc để thực hiện các bước tiếp theo trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia.

Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, việc đạt được các mục tiêu của Đề án 06 là tiền đề hết sức quan trọng để tiến tới vận hành Chính phủ số, đi cùng với xã hội số, kinh tế số, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. “Sứ mệnh của Đề án 06 mở rộng là dẫn dắt, thí điểm, đột phá trong chuyển đổi số” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc mở rộng Đề án 06 xuống các địa phương, đến từng người dân đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chỉ đạo ở cấp cao nhất, với các giải pháp quyết liệt, trách nhiệm nhất trong triển khai, phát huy, mở rộng những kết quả đã đạt được vào chuyển đổi số quốc gia. Việc thực hiện chuyển đổi phải trên tinh thần: Tập trung chuyển đổi quy trình, phương thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến với những thủ tục được người dân, DN sử dụng nhiều.  

Trong khi đó, theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết triệt để 4 nhóm vấn đề khó khăn nổi cộm trong thực hiện Đề án 06, là: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công, nguồn lực triển khai. Đơn cử, việc rà soát đề xuất chủ trương miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả…; vẫn chậm thực hiện theo các hướng dẫn về chuyển đổi số, về an ninh an toàn thông tin; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều; nguy cơ rủi ro vẫn tiềm ẩn…

Mặt khác, dù hệ thống chính quyền các cấp đã nỗ lực, nhưng người dân vẫn đứng ngoài cuộc thì rất khó đạt được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Theo các chuyên gia, hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp, để thực hiện dịch vụ vẫn có nhiều phương thức, do đó, nhiều người dân vẫn sử dụng cách thức truyền thống, khiến cho quá trình chuyển đổi số còn chậm. “Tạo sự thuận lợi, tiện ích trong khai thác sử dụng dịch vụ để tạo lòng tin cho người dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân thích ứng, chủ động sử dụng dịch vụ trực tuyến là những vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng” - TS. Trần Quý cho biết; đồng thời thời nhấn mạnh, để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn của toàn xã hội./.

Theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 09/01/2023, Quốc hội đặt mục tiêu phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số, tích hợp dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội