Deloitte dự báo 'hạ cánh mềm' cho nền kinh tế Canada

(BKTO) - Nền kinh tế Canada đang đối diện với một loạt thách thức, từ nguy cơ lạm phát cao đến tình trạng tăng nợ thế chấp. Deloitte dự báo một kịch bản "hạ cánh mềm" có thể đến, nhưng các vấn đề về chi phí nhà ở và nợ tiêu dùng tăng kỷ lục đang gây ra lo ngại về nguy cơ vỡ nợ và phá sản tại Canada. Mặc dù có dấu hiệu hồi phục sau suy thoái, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.

Nền kinh tế có thể "hạ cánh mềm"

canada.png
Theo Deloitte cuộc suy thoái kinh tế mà Canada phải đối mặt suốt trong một năm qua đang dần kết thúc - Ảnh minh họa

Giữa bối cảnh nền kinh tế Canada vật lộn với lạm phát cao kỷ lục và nợ xấu ngày càng gia tăng, báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất từ Deloitte Canada lại mang đến một tín hiệu đáng mừng. Theo đánh giá của Deloitte, cuộc suy thoái kinh tế kéo dài suốt một năm qua tại xứ sở lá phong đang dần kết thúc và Canada có thể đón nhận một "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu Dawn Desjardin của Deloitte đã đưa ra hai lý do chính đằng sau nhận định lạc quan này. Thứ nhất, báo cáo dự đoán Ngân hàng Trung ương Canada sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới, nhằm giảm bớt gánh nặng nợ cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lý do thứ hai là nguồn cung lao động tiếp tục được duy trì ổn định nhờ dòng người nhập cư mới đến Canada. Điều này sẽ giúp hỗ trợ nhu cầu nội địa và cung ứng nguồn nhân lực cần thiết cho sự phục hồi kinh tế. Bà Desjardin nhấn mạnh rằng, dựa trên quỹ đạo phục hồi hiện tại, Canada đã sẵn sàng cho giai đoạn hồi phục sau đợt suy thoái vào nửa cuối năm 2024.

Số liệu của Cơ quan thống kê Canada cho thấy mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến đã xuất hiện trong hai tháng đầu năm 2024. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 1 đã đạt mức 0,6%, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích 0,2%, trong khi GDP của tháng 2 được dự báo sẽ tăng khoảng 0,4%.

Báo cáo của Deloitte cho rằng có vẻ như cuộc suy thoái kinh tế mà Canada phải đối mặt suốt trong một năm qua đang dần kết thúc và đất nước có thể hướng tới những điều kiện kinh tế tốt hơn vào nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, báo cáo của Deloitte cũng chỉ ra rằng trở ngại lớn nhất hiện nay là chi phí cho nhà ở khi người dân tiếp tục gia hạn các khoản thế chấp với lãi suất cao hơn. Người đi thuê nhà cũng đang cảm nhận được chi phí chỗ ở cao hơn.

Theo Cơ quan thống kê Canada, các khoản thanh toán nợ đã tiêu tốn 15% thu nhập hộ gia đình sau khi lãi suất thế chấp tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2022.

Công ty theo dõi và đánh giá tín dụng Equifax Canada cũng đưa ra báo cáo về sự gia tăng các khoản nợ thế chấp và việc thanh toán tín dụng bị bỏ qua, với tỷ lệ nợ quá hạn tăng 135% ở tỉnh bang Ontario và 62% ở tỉnh bang British Columbia.

Deloitte cho rằng những áp lực này sẽ vẫn tiếp tục khi có nhiều chủ nhà gia hạn khoản thế chấp của họ với lãi suất cao hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng đang cảm thấy căng thẳng. Tỷ lệ vỡ nợ đã tăng gần 130% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước và ý định đầu tư đã giảm tốc đáng kể.

Báo cáo cho biết lãi suất cao đang làm suy yếu nền kinh tế và làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp. Để đối phó với nhu cầu yếu hơn và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, các doanh nghiệp ngày càng trì hoãn kế hoạch đầu tư, tập trung nhiều hơn vào bảo trì và sửa chữa thay vì mở rộng hoạt động.

Nợ tiêu dùng tăng kỷ lục

canada-reuters.jpg
Lãi suất và chi phí sinh hoạt phi mã khiến các vụ vỡ nợ và phá sản tại Canada gia tăng - Ảnh minh họa

Báo cáo về nợ tiêu dùng do Cơ quan Thống kê tín dụng tiêu dùng TransUnion Canada công bố cho biết trong quý IV/2023, tổng số nợ tiêu dùng của người dân nước này ở mức 2.400 tỷ đô la Canada (CAD - gần 1.800 tỷ USD), tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái và là một mức tăng kỷ lục.

Theo báo cáo của TransUnion, khoảng 92% số người sử dụng tín dụng đều có dư nợ, tăng 3,7% so với năm ngoái. Nguyên nhân là người nhập cư thúc đẩy thị trường tín dụng tiêu dùng tăng vọt, bên cạnh những lý do về lãi suất và lạm phát.

Theo cơ quan trên, ngày càng có nhiều người ở Canada sử dụng tín dụng, với khoảng 96% - tương đương 31,5 triệu người - có đủ điều kiện đã sử dụng ít nhất một sản phẩm để vay tiền như thẻ tín dụng hoặc thế chấp mua ô tô. Điều này đã làm tăng thêm dư nợ của người dùng khoảng 1 tỷ CAD, tương đương mức tăng 3,6% so với năm ngoái.

Cũng theo báo cáo của TransUnion, lượng người mới đến Canada mở tài khoản tín dụng lần đầu tiên đã tăng 46% trong khoảng thời gian một năm (2022-2023) và khiến họ chịu gánh nợ khoảng 3,5 tỷ CAD.

Ngoài ra, lãi suất cao khiến việc trả nợ trở nên khó khăn. Các khoản thanh toán tối thiểu hằng tháng đang gia tăng, với thông báo thế chấp trung bình tăng 12% trong năm qua.

Cũng theo TransUnion, trong tương lai, lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và lạm phát sẽ tiếp tục đè nặng lên vai người tiêu dùng. Khi các khoản thanh toán tối thiểu tiếp tục tăng, nhiều người Canada có thể đối mặt với những khó khăn trong việc phân chia thu nhập để trả nợ trong khi vẫn chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Theo một cuộc khảo sát về triển vọng tài chính của người dân công bố ngày 13/3, cho thấy 18% những người được hỏi nói rằng họ sẽ bị vỡ nợ khi thanh toán thế chấp hoặc thanh toán khoản vay trong 2 tháng tới, tăng 2 điểm phần trăm so với tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, còn có khoảng 11% số người được hỏi cho biết họ rất có thể phải tuyên bố phá sản trong 2 tháng tới, tăng một điểm phần trăm so với tháng trước.

Cuộc thăm dò này phản ánh số liệu gần đây của Văn phòng giám sát phá sản, trong đó thể hiện rằng tỷ lệ phá sản của người tiêu dùng trong tháng 1/2024 đã tăng 17,9% so với tháng 12/2023 và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đề xuất của người tiêu dùng muốn đàm phán lại các điều khoản vay nợ cũng đã tăng 19,7% so với tháng trước và 25% so với tháng 1 năm ngoái.

Rõ ràng, những nỗ lực chống chọi với lãi suất và chi phí sinh hoạt phi mã của người dân Canada đang dần trở nên vô vọng khi nợ tiêu dùng ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế đang vật lộn hồi phục sau cú sốc đại dịch.

Cùng chuyên mục
Deloitte dự báo 'hạ cánh mềm' cho nền kinh tế Canada