Nâng cao năng suất chất lượng để nâng tầm thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

(BKTO) - Ngày 05/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Giải pháp nâng cao năng suất chuất lượng để kinh doanh thành công và nâng tầm thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Đây là Hội thảo nẳm trong khuôn khổ dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Công ty cổ phần và quảng cáo Hội chợ thương mại (VINAXAD) tổ chức.

vcci.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: M. Thúy

Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong quá trình vận hành của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như tuyến "huyết mạch" của nền kinh tế.

Kể từ khi các chính sách mở cửa thương mại và đầu tư nhất quán mở đường cho xuất khẩu được áp dụng, Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 năm từ 2018-2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, tuy giảm 6,6% so với trước, nhưng cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có diễn ra những xu hướng như xu hướng dịch chuyển kinh tế toàn cầu, xu hướng rời chuỗi cung ứng ra khỏi các khu vực có sự bất ổn về chính trị...

Theo Điều tra PCI 2022 của VCCI, nếu trong năm 2021 chỉ có 52,4% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào cung ứng bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì con số này đã lên đến 63,3% trong năm 2022. Ở một diễn biến khác, trong khi vai trò nhà cung cấp của khối doanh nghiệp nhà nước có giảm sút thì tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ cung ứng bởi các hộ kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ mức 9,9% năm 2021 lên 13,4% năm 2022.

Tuy vậy, theo báo cáo về "Năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương" do VCCI thực hiện năm 2022, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam vẫn được đánh giá thấp hơn so với các quốc gia trong ASEAN do tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp - những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất.

"Việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay sẽ tạo diễn đàn để chúng ta cùng chia sẻ trao đổi các nội dung liên quan đến cách thức để doanh nghiệp có thể thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu, ý nghĩa của thương hiệu trong việc định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt là các giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh toàn cầu" - bà Thanh Tâm cho biết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, để bắt kịp và tận dụng tốt những cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là nhà cung ứng cũng như tăng cường năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.

5.4-vcci.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: M. Thúy

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn IMEC toàn cầu, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ được lợi thế, năng lực cạnh tranh của mình là gì, từ đó xác định được khu vực khách hàng tiềm năng để có thể chủ động tìm được khách hàng phù hợp.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Phương - Chủ tịch Hội động Viện nghiên cứu phát triển kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.

Theo ông Hoàng Phương, thương hiệu là "tập hợp dấu hiệu" để phân biệt các chủ thể kinh doanh, giúp thể hiện giá trị chủ quan mà chủ thể kinh doanh muốn truyền tải. Thương hiệu mang tính lý tính (đặc điểm, công dung, tính năng của sản phẩm/dịch vụ) và cảm tính (nhãn hiệu, tuyên ngôn kinh doanh, màu sắc, giao diện, bao bì, dịch vụ...).

"Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt, chuyển từ xuất khẩu theo cung và cầu sang kinh doanh theo định hướng thị trường bền vững" - ông Nguyễn Hoàng Phương khẳng định.

Các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng uy tín của doanh nghiệp, giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm được thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho biết, để nâng cao năng suất chất lượng phù hợp cho các doanh nghiệp của Việt Nam, Nhà nước cần hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đồng thời có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, về cách sử dụng công nghệ tốt nhất. Những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ của các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển.

Theo TS. Lê Huy Khôi, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ; cần tăng mạnh kinh phí cho hoạt động R&D trong thời gian tới, trước hết từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI.../.

Cùng chuyên mục
  • Quảng Bình: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến hết năm 2023" tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
  • Khai phá nguồn lợi kinh tế nghìn tỷ từ rừng
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng). Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ giúp mang lại nguồn lợi tài chính cho Việt Nam, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, theo xu thế của thế giới.
  • Từ 01/6, được học lý thuyết trực tuyến để thi bằng lái xe
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024 (Thông tư 05).
  • Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sáng 4/4, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi”. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (VIETNAM EXPO 2024) ở Hà Nội.
  • Đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Tài chính
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 phê duyệt phương án đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Nâng cao năng suất chất lượng để nâng tầm thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu