Khai phá nguồn lợi kinh tế nghìn tỷ từ rừng

(BKTO) - Lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng). Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ giúp mang lại nguồn lợi tài chính cho Việt Nam, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, theo xu thế của thế giới.

w-khu-rung-1-199-483(2).jpg
Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, mà còn giúp thúc đẩy phát triển xanh, bền vững. Ảnh ST

Ông có thể thông tin thêm về hoạt động chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vừa qua, cũng như số tiền thu được được sử dụng ra sao, thưa ông?

Vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB). Đồng thời, Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng (giá trung bình 5 USD/tín chỉ carbon).

Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho Việt Nam, họ yêu cầu chúng ta phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng.

ong-bao.jpg
Cục trưởng Trần Quang Bảo. Ảnh: N.Lộc

Sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon, Việt Nam hiện còn dôi dư 5,91 triệu tấn (giai đoạn 2018-2019). Trong đó, WB đã đồng ý mua bổ sung 1 triệu tấn, lượng tín chỉ. Còn 4,91 triệu tấn, Bộ đã báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với WB để đo đếm, xác nhận lượng tín chỉ giai đoạn 2 (2020-2022), giai đoạn 3 (2023-2024), tìm kiếm các đối tác có nhu cầu tiếp nhận để tiến hành đàm phán chuyển nhượng, đảm bảo quyền lợi của quốc gia và huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ.

Liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn kinh phí này hiện được quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

58.jpg
Người trồng, bảo vệ rừng là một trong những đối tượng thụ hưởng kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng. Ảnh: ST

Theo đó, quỹ trung ương (quản lý, tiếp nhận nguồn tiền chi trả) chỉ được giữ lại 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật… Còn lại 96,5% được phân bổ hoàn toàn cho các địa phương. Hiện đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và sau 1-2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền cho địa phương.

Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT  - cơ quan được giao quản lý, chịu trách nhiệm về việc quản lý nguồn kinh phí đã ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích và đang tổ chức tập huấn để phân bổ cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn thu này.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu tài nguyên đặc biệt này của Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Trong đó, ngành nông nghiệp, từ chăn nuôi, trồng trọt, đều có triển vọng cung ứng tín chỉ carbon, đặc biệt là rừng.

Việt Nam hiện có hơn 14,8 triệu hécta rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon. Theo đánh giá, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.

Tuy nhiên, không phải hoạt động nào cũng có thể tạo ra tín chỉ carbon. Đối với carbon rừng, tín chỉ carbon là chứng nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ được tạo ra từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải, loại bỏ, hấp thụ carbon.

dsc_0233(1).jpg
Việt Nam được đánh giá là giàu nguồn tín chỉ carbon rừng. Ảnh: N.Lộc

Việc tạo ra tín chỉ carbon cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn carbon cụ thể theo yêu cầu của thị trường carbon và được bên thứ ba, độc lập thẩm định và xác minh.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu, đó là thị trường. Ông có thể cho biết về thị trường carbon rừng hiện nay và những lưu ý đối với Việt Nam, thưa ông?

Nhu cầu mua bán tín chỉ carbon rừng đã tạo ra thị trường tín chỉ carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Trong thị trường này, hàng hóa được mua và bán là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế... 

Hiện nay, thị trường carbon trên thế giới cơ bản được vận hành theo hai hình thức là thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc).

Mức giá carbon trên thị trường tự nguyện trên thế giới thường dao động từ 2-4 USD/tấn CO2. Giá trung bình cập nhật tại thời điểm hiện nay của là 1.07 USD/tấn CO2.

Thị trường carbon nội địa (thị trường bắt buộc) do quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định và được thành lập, vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải của quốc gia đó.

dsc_0236.jpg
Việt Nam đang thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon. Ảnh: N.Lộc

Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Song những kết quả thu được vừa qua là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam. 

Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. 

Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. 

Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ phê duyệt mới đây.

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.

Để thúc đẩy thị trường carbon rừng, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, qua đó tạo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, nâng cao đời sống của người dân vùng có rừng, từ đó tác động trở lại công tác quản lý, bảo vệ rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển ổn định, bền vững…

Cùng chuyên mục
  • Đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Tài chính
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 phê duyệt phương án đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
  • Sẵn sàng cho chu kỳ phát triển mới
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Kết quả khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng do Vietnam Report thực hiện tháng 01/2024 cho thấy, nhóm DN ngành xây dựng đã lạc quan hơn về triển vọng chung của ngành, nhưng vẫn chưa cao. Trong khi 52,6% DN kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn thì vẫn có tới 36,9% DN dự báo chưa có nhiều cải thiện và 10,5% DN cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.
  • Tuần tới, 100% cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Tính đến ngày 02/4, toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Hiện chỉ còn 4 cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện, dự kiến sẽ được lắp đặt các thiết bị phục vụ xuất hóa đơn điện tử trong tuần tới.
  • Con đường nâng hạng và cơ hội đón sóng lớn thứ 4 trong lịch sử
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi tiếp tục được cụ thể hóa bằng việc cơ quan quản lý đề xuất các quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư. Giới chuyên gia nhận định, con đường nâng hạng ngày càng rõ ràng hơn và TTCK Việt Nam có cơ hội bước vào con sóng lớn thứ 4 trong lịch sử.
  • Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 260/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026.
Khai phá nguồn lợi kinh tế nghìn tỷ từ rừng