Người tiêu dùng trung lưu có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường sôi động trong những năm gần đây.Ảnh: TK
Các nhà khoa học đã đưa ra bộ “Chỉ số trung lưu” bao gồm 5 yếu tố để ước lượng, đó là: Chỉ số thu nhập và chi tiêu, chỉ số giáo dục, chỉ số nhà ở, chỉ số cuộc sống và chỉ số nghề nghiệp. Đơn vị đo lường giới trung lưu được xác định là hộ gia đình, chứ không phải là một cá nhân.
Có thể phân loại toàn bộ tầng lớp này thành ba nhóm: Trung lưu nhóm dưới - nhóm đáp ứng 3/5 tiêu chí nêu trên; trung lưu nhóm giữa - nhóm đáp ứng 4 tiêu chí và trung lưu nhóm trên - nhóm đáp ứng được cả 5 tiêu chí. Như vậy, với dân số Việt Nam là 86,9 triệu người năm 2010, nếu giả định một hộ gia đình đại diện có 4 người thì theo tính toán của các chuyên gia, ở thời điểm đó, Việt Nam ước tính có khoảng 7,4 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, tương ứng với 29,58 triệu người. Báo cáo công bố tháng 10/2015 của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) đưa ra con số: Việt Nam có 3 triệu người được xếp vào nhóm trung lưu, chiếm 0,5% dân số. Tài sản của nhóm này dao động từ 5.030 USD - 30.000 USD, và tài sản bình quân của họ vào khoảng 18.074 USD.
Còn theo khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), công bố năm 2013, Việt Nam sẽ giàu có bởi tầng lớp trung lưu đang tăng lên mạnh mẽ. Dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 32 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu. Tốc độ phát triển của tầng lớp tiêu dùng này cũng được Tập đoàn ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) đánh giá là nhanh nhất khu vực châu Á. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 2 triệu người gia nhập vào tầng lớp tiêu dùng trung lưu.
Nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Xu hướng văn hóa, mong muốn xã hội và sức chi tiêu được coi là ba yếu tố ảnh hướng lớn đến phong cách tiêu tiền, cách thức mua sắm, kiểu hàng hóa mà người mua ưa chuộng và cái giá mà họ sẵn sàng chi trả cho chúng. Theo đó, tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng có xu hướng mua sắm cho bản thân nhiều hơn. Việc chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ cuộc sống chất lượng như các dịch vụ ăn uống, các sản phẩm công nghệ, xe ôtô, đồ gia dụng và những chuyến du lịch tăng mạnh những năm gần đây.
Mở ra những xu hướng tiêu dùng mới cho DN khai thác
Một trong những dịch vụ ưu tiên trong danh sách tiêu dùng của giới trung lưu Việt Nam là ăn uống. Nhà hàng và quán cà phê hạng sang ngày càng phổ biến. Những tập đoàn dịch vụ ăn uống đa quốc gia ngày càng quan tâm đến tiềm năng của thị trường Việt Nam. McDonald’s mới vào Việt Nam từ năm 2014 với 5 chuỗi nhà hàng tại TP. HCM; doanh số bán hàng thu được từ chuỗi cửa hàng đầu tiên đã đạt trên 30% so với dự đoán lạc quan nhất của họ. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi McDonald’s dự kiến sẽ mở gần 1.000 của hàng tại Việt Nam tính đến năm 2025.
Danh sách chi tiêu của tầng lớp trung lưu Việt Nam còn có xu hướng tăng mạnh chi cho các mặt hàng cao cấp. Một ví dụ điển hình là thị trường điện thoại thông minh hiện nay. Việt Nam được biết đến là thị trường nóng nhất của Apple với doanh số của hãng tăng gấp ba lần trong 3 tháng đầu năm 2014, và tiếp tục tăng gấp đôi trong những giai đoạn sau. Người tiêu dùng trung lưu cũng có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy thị trường ô tô, trang sức cao cấp, vàng bạc, đá quý… sôi động hơn hẳn trong những năm gần đây.
Trong khi nhiều người tiêu dùng ở nhóm dưới đang có xu hướng cố gắng tiến vào tầng lớp trung lưu thì những người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu nhóm trên vẫn luôn cố gắng giữ vị trí hiện tại để không rớt xuống tầng thấp hơn. Vậy nên, quy mô tầng lớp trung lưu và sức chi tiêu của họ ở Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Điều này không chỉ đóng góp cho sự phát triển của thị trường tiêu dùng Việt Nam nói riêng và sự phát triển kinh tế nói chung, mà hơn thế nữa, về lâu dài sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống với những phong cách tiêu dùng mới mẻ. Như nhận xét của Giáo sư Vikram Mansharamani - Đại học Harvard: “Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang sử dụng đồng lương của mình cho lối sống tiêu dùng như phương Tây”.
HỒNG THOAN