Thuận lợi hơn nhưng vẫn còn doanh nghiệp gặp khó khăn
Kinh doanh xuất nhập khẩu là lĩnh vực hoạt động chính của trên 80% DN phản hồi khảo sát, bên cạnh các hoạt động ít phổ biến hơn là dịch vụ logistics hoặc đại lý hải quan. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, số lượng DN tiến hành thủ tục qua Cổng MCQG tập trung khá lớn vào một số thủ tục hành chính. Đó là cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (575 DN), cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (479 DN), cấp Giấy phép nhập khẩu/xuất khẩu tiền chất công nghiệp (405 DN) và kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu (334 DN). Các thủ tục hành chính còn lại có số lượng DN lựa chọn thấp hơn, song cũng ở mức từ 100 đến 200 DN. Thủ tục có số lượng DN thực hiện ít nhất là thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế, song cũng có 72 DN thực hiện.
Theo phân tích của các chuyên gia khảo sát, mức độ DN gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng MCQG tương đối khác nhau giữa các thủ tục, trong khoảng từ 16% đến 34% và dường như có sự tập trung trong thực hiện thủ tục hành chính theo nhóm Bộ, ngành.
Cụ thể, các thủ tục thuộc Bộ Y tế đứng cuối có tỷ lệ DN cho biết gặp khó khăn cao hơn cả. Dù số lượng DN thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế chỉ ở mức trung bình so với các thủ tục khác và mỗi DN chỉ tiến hành thủ tục này khoảng 2 lần mỗi năm nhưng có đến hơn 1/3 DN gặp khó khăn, cao nhất trong số 12 thủ tục được khảo sát. Tương tự, có đến 29% DN chưa đánh giá tích cực về thủ tục cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu. Xếp ngay sau 2 thủ tục của Bộ Y tế là 2 thủ tục của Bộ Giao thông vận tải khi đều có 28% DN đánh giá là gặp khó khăn khi thực hiện, đó là thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng. Tiếp theo là tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu của Bộ Khoa học và Công nghệ với 26%.
Cần liên kết, đẩy mạnhthủ tục qua một cửa quốc gia
Theo đánh giá của ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc triển khai cơ chế MCQG với 198 thủ tục hành chính được thực hiện trên Cổng MCQG đem lại những thay đổi tích cực về thời gian thực hiện. Các Bộ, ngành, trong đó có ngành hải quan, đã áp dụng nhiều giải pháp như: đơn giản hoá các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện.
Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nêu rõ, theo báo cáo, tính đến hết năm 2019, đã có 13 Bộ, ngành tham gia Cổng MCQG với 189 thủ tục hành chính; 2,7 triệu hồ sơ và 34.000 DN tham gia. Quá trình thực hiện đã tạo ra nhiều thuận lợi cho DN, nhưng cơ chế MCQG hoạt động vẫn theo mô hình phân tán, thiếu tập trung. Khoảng 81% thủ tục hành chính trên Cổng MCQG thuộc diện “xử lý phân tán”.
Đồng thời, qua khảo sát 12 thủ tục có số lượng hồ sơ DN thực hiện nhiều nhất cho thấy, hệ thống xử lý chưa được điện tử hoàn toàn, tình trạng xử lý hồ sơ bị thông báo thiếu rõ ràng, thời gian chờ đợi xử lý hồ sơ khá lâu… Các chuyên gia nhấn mạnh, điều này đòi hỏi các Bộ, ngành và các bên liên quan cần có cái nhìn khách quan hơn, có giải pháp đột phá hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, cần tiếp tục bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng cho DN; hạn chế việc phân tán quản lý của các Bộ, ngành; tăng cường minh bạch thông tin xử lý các vấn đề thủ tục hành chính cho DN. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cần thúc đẩy hơn nữa sự kết nối thông suốt giữa các Bộ, ngành, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục.
Đồng quan điểm, ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID - cho rằng, cần hoàn thiện hơn nữa những quy trình, thủ tục hành chính được tích hợp vào MCQG để tăng số lượng các thủ tục thực hiện qua MCQG, cũng như tăng cường cải cách, giảm bớt kiểm tra chuyên ngành và xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả. Các Bộ, ngành cần phối hợp với Tổng cục Hải quan xem xét thực hiện các thủ tục MCQG để giảm hơn nữa chi phí cho DN và tăng sự hài lòng của các DN. Kết quả khảo sát là cơ sở, là những bằng chứng thực tế để giúp cho chương trình thực hiện cơ chế MCQG đi đúng hướng.
PHÚC KHANG