Thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng trong thời kỳ bình thường mới

(BKTO) - Phần lớn DN ngành xây dựng, vật liệu xây dựng cho rằng tình hình kinh doanh năm 2020 sẽ khó khăn hơn (73,9%), chỉ có 13% DN lạc quan kỳ vọng ngành xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng hơn so với năm trước, trong khi 4,3% cho rằng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm 2019. Đáng chú ý, khoảng 8,7% số DN được hỏi cho rằng thị trường sẽ “trầm lắng” trong 6 tháng đầu năm và sẽ trở lại sôi động trong 6 tháng cuối năm sau khi dịch Covid-19 kết thúc và các gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả.




7 xu hướng của DN ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong ngắn hạn và dài hạn. Nguồn: Vietnam Report tổng hợp từ McKinsey

Thị trường chịu tác độngcủa dịch bệnh

Đang trong đà phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2017-2018, thị trường bất động sản năm 2019 đột ngột “chững lại”. Điều này kéo theo sự sụt giảm nguồn cung của ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, thể hiện qua số lượng dự án được phê duyệt giảm đáng kể. Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chỉ có 5 dự án đủ điều kiện triển khai mới, được phê duyệt tại Hà Nội trong năm vừa qua. Khảo sát gần đây của Vietnam Report cho thấy, 91,4% số nhà thầu xây dựng, nhà thầu cơ điện cho rằng số lượng dự án được phê duyệt giảm là khó khăn hàng đầu của họ trong năm vừa qua bên cạnh những vấn đề “muôn thuở” như: thủ tục pháp lý, quá trình triển khai, đấu thầu hay công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá vật liệu xây dựng...

Theo thống kê của FiinPro, trong quý I/2020, ngành xây dựng, vật liệu xây dựng đã ghi nhận mức giảm 9,5% doanh thu và 10,2% lợi nhuận sau thuế. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý I/2020 cũng chỉ ra rằng, có đến 47,5% số DN kinh doanh khó khăn hơn, 33,7% số DN giữ được ổn định và 18,8% số DN kinh doanh tốt hơn.

Mặc dù triển vọng ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong năm 2020 được nhận định là không khả quan, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây chính là giai đoạn thị trường tự điều chỉnh, tiến tới tái cấu trúc. Nói cách khác, thị trường sàng lọc yếu tố chưa phù hợp, nhằm phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Để vượt qua giai đoạn “gạn đục khơi trong” này, DN cần có chiến lược kinh doanh cụ thể và linh hoạt.

Theo chia sẻ của các DN trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, họ sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đảm bảo chất lượng và tiến độ của các dự án, công trình hiện có; Tăng cường công tác quản trị tài chính; Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; Tiếp tục phát triển thương hiệu; Nghiên cứu sản phẩm mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Xây dựng chiến lược ứng phólinh hoạt

Dịch Covid-19 đầu năm 2020 được coi như một “thuốc thử” đối với DN nói chung và DN xây dựng, vật liệu xây dựng nói riêng. Những DN lớn với tiềm lực tài chính mạnh duy trì được thị phần, một số có thời cơ phát triển; ngược lại, DN nhỏ và vừa cạnh tranh yếu hơn, bị thu hẹp thị phần, một số phải đóng cửa vì thiếu nguồn việc và không có lực lượng công nhân. Chính vì thế, ưu tiên tiếp theo của các DN ngành xây dựng, vật liệu xây dựng năm 2020 chính là giữ “miếng bánh” thị phần thông qua đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ dự án, công trình hiện có.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, hầu hết các DN đều lựa chọn gia tăng khả năng chịu đựng trong khủng hoảng thông qua việc tăng cường năng lực quản trị tài chính. Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các DN cần ưu tiên tối đa hóa dự trữ tiền mặt, tập trung vào đánh giá khả năng thanh khoản, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch với các điểm kích hoạt tương ứng, cũng như các phương án ổn định kinh doanh, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi…

Song song với đó, các hoạt động đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao tỷ lệ trang bị kỹ thuật trên lao động cũng được chú trọng. Công nghệ giúp DN tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn và cũng quản lý, vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt với DN ngành xây dựng, vật liệu xây dựng sử dụng lực lượng nhân công đông đảo và điều hành các dự án trải rộng trên nhiều địa phương trong một khoảng thời gian dài.

Trước đại dịch, ngành xây dựng, vật liệu xây dựng cũng đã cho thấy “thế yếu” so với các ngành khác. Năng suất dậm chân tại chỗ; mức độ số hóa thấp; khả năng sinh lời thấp là một số điển hình, đấy là còn chưa kể đến tính đặc thù của ngành, hệ sinh thái phân mảnh và tỷ lệ lao động giản đơn trực tiếp tại công trường cao. Những năm gần đây, một loạt các sức ép như sự khan hiếm lao động tay nghề cao, các đòi hỏi cao về kỹ thuật, vật liệu xây dựng mới, phương thức sản xuất và công nghệ đang đòi hỏi các DN trong ngành phải không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh những chiến lược được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường và dịch Covid-19, “phát triển thương hiệu” cũng là một trong 5 chiến lược ưu tiên của các DN trong năm nay. Theo các chuyên gia, ưu tiên cho việc tái lập hình ảnh (thương hiệu) được xem là chiến lược cụ thể và kịp thời giúp các DN trong ngành tạo được lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn bình thường mới.
         
Ngành xây dựng sử dụng khoảng 4,3 triệu lao động trên 15 tuổi, phần lớn là lao động thời vụ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 13,1%. Nhân công chỉ chiếm 20% chi phí xây dựng nhưng là yếu tố quyết định khả năng và chất lượng thi công của DN. Vì vậy, ưu tiên số một của các DN chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng trong thời kỳ bình thường mới