Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải

(BKTO) - Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, Bộ VHTTDL đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về văn hóa, trong đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035).

154884z4767721312129_e40ff8af249e550dcb5666c7ef211412.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo

Tại Họp báo thường kỳ Quý III năm 2023 của Bộ VHTTDL diễn ra chiều 9/10, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã trả lời, giải đáp về những vấn đề “nóng” liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành được báo chí quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến chương trình MTQG về văn hóa. 

Thời gian qua, ngành VHTTDL đã bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy

Thông tin cụ thể về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong nhấn mạnh, chương trình MTQG về văn hóa trong giai đoạn mới được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam. 

Cụ thể, Kết luận số 42-KL/TW ngày 20/10/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2022-2023 nêu nhiệm vụ: Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030. Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Theo ông Lê Hồng Phong, Chương trình nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.

154887z4767725363079_7a37c9b6dc7356619ed5fc83c34a04ab(1).jpg
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong

Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, nên quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế Chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng

“Chương trình MTQG về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, Chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững” - ông Phong nhấn mạnh.

Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình MTQG về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Chương trình được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần.

Theo ông Phong, hiện nay, việc triển khai nhiệm vụ này đang dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp các nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của chương trình MTQG về văn hóa trước khi trình Quốc hội.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đảm bảo đầu tư cho 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm. 

Đến năm 2035, đạt các mục tiêu cụ thể: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; có 5 trường đại học trọng điểm và 2 Viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh và văn hóa, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. 

20231009_152419.jpg
Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL thông tin nhiều vấn đề "nóng" lĩnh vực VHTTDL được dư luận xã hội quan tâm

Tài buổi họp báo, lãnh đạo Bộ và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cũng thông tin nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm vừa qua như: điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên con số từ 12-13 triệu lượt; chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; việc thực hiện chế độ cho vận động viên bóng bàn../.

Cùng chuyên mục
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải