Nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Trong xu thế phát triển hiện nay, một DN phát triển bền vững không chỉ thể hiện ở việc mỗi năm tạo ra doanh thu bao nhiêu, lợi nhuận thu về như thế nào, hay tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, mà còn phải có trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của DN được thể hiện trên các mặt như: Bảo vệ môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm với người lao động, bảo đảm lợi ích, an toàn cho người tiêu dùng, thực hiện các hoạt động vì cộng đồng… Trên thực tế cũng ghi nhận, hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội song hành với hoạt động phát triển kinh doanh, qua đó đã đem lại rất nhiều lợi ích cho DN.
Phân tích cụ thể về những lợi ích, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam - cho rằng, lợi ích đầu tiên là góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của DN. Bởi lẽ, khi DN hướng đến phát triển bền vững thông qua việc coi trọng hài hòa lợi ích kinh tế và trách nhiệm đối với môi trường, cộng đồng, sẽ tạo ra sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với DN và những sản phẩm của DN làm ra. Từ đó, thương hiệu, uy tín của DN sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường.
Lợi ích thứ hai là việc chú trọng bảo vệ môi trường - một trụ cột quan trọng của trách nhiệm xã hội - sẽ giúp DN khai thác hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng hợp lý, hướng đến nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điều này giúp DN nâng cao hiệu suất của các yếu tố đầu vào, qua đó tối ưu hóa chi phí và hạn chế những yếu tố mang tính hệ thống của vấn đề bảo vệ môi trường và nhiều vấn đề xã hội khác tác động đến DN.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều quốc gia ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của DN, thậm chí rất nhiều tập đoàn nước ngoài đã đưa yếu tố này là điều kiện bắt buộc đối tác cần thực hiện trong quá trình hợp tác giữa các bên. Mặt khác, trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia đều có đề cập và có các tiêu chuẩn rõ ràng về thực hành trách nhiệm xã hội của DN. Do đó, gắn kết việc thực hiện trách nhiệm xã hội vào hoạt động kinh doanh ngay từ đầu sẽ giúp DN Việt chủ động đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về kinh doanh có trách nhiệm của các đối tác nước ngoài, từ đó giúp DN thuận lợi hơn trong việc hội nhập sâu vào thị trường thế giới.
Chia sẻ từ góc độ DN, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - cho biết, trong những năm qua, Tập đoàn TH luôn coi trọng việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhiều dự án thực phẩm, đồ uống, dược liệu của Tập đoàn đã được triển khai theo hướng xây dựng trang trại sạch, sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ…, để cung cấp những sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Lựa chọn xu hướng phát triển này cũng đã giúp DN tạo được một chỗ đứng vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng, cũng như vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Cần hình thành khuôn khổ pháp lý
Theo các chuyên gia, hiện nay, kinh doanh gắn với thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ là một trong những sự lựa chọn của DN, mà đang dần trở thành xu thế tất yếu nếu DN muốn phát triển bền vững. Tuy nhiên, cộng đồng DN cũng gặp không ít thách thức trong quá trình hiện thực hóa xu hướng phát triển này. Cụ thể, năng lực quản lý và kiến thức chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm xã hội của DN còn hạn chế. Bên cạnh đó, do phần lớn DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên còn thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực trách nhiệm xã hội… Về mặt khuôn khổ pháp lý, hiện Việt Nam chưa có các bộ quy tắc ứng xử và các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của DN. Vì vậy, chưa tạo ra được môi trường, khung pháp lý định hướng, thúc đẩy DN thực hiện trách nhiệm xã hội.
Từ thực tế trên, để khuyến khích các DN đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội trong quá trình hoạt động, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, Nhà nước cần hình thành bộ tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội của DN. Bởi lẽ, trên thực tế, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của DN, điều này dẫn đến nếu DN muốn thực hiện cũng rất khó khăn trong việc triển khai áp dụng một cách bài bản, có hệ thống. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên gia tăng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN về trách nhiệm xã hội. Hiện, vẫn còn không ít DN chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội tới bản thân DN cũng như đối với nền kinh tế. Điều đó khiến DN chưa quan tâm đến việc lồng ghép thực hiện trách nhiệm xã hội trong chiến lược kinh doanh dài hạn của DN. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền sẽ giúp DN nhận thức một cách tích cực về trách nhiệm xã hội, từ đó việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong cộng đồng DN cũng sẽ trở nên phổ biến hơn, thực chất hơn.
Về phía các DN, theo các chuyên gia, bản thân DN cũng cần chủ động nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, chú trọng việc thực hiện trách nhiệm xã hội, coi đó là một mục tiêu tất yếu trong quá trình hoạt động của DN để có thể phát triển bền vững./.
Theo một kết quả khảo sát do Viện Khoa học Xã hội và Lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện gần đây đối với 24 DN thuộc ngành da giày và dệt may cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội mà doanh thu của DN đã tăng 25%; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.