Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh quý III/2019

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, làn sóng khởi nghiệp thông qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh tiếp tục là kênh huy động vốn và nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong 6 tháng qua. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý I năm 2018 và cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2019 sẽ tiếp tục ổn định và tốt hơn.




Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số lượng và vốn

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trong tháng 6/2019, cả nước có 12.960 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 190,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14,7 tỷ đồng, tăng 23,5%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 111,8 nghìn người, tăng 26,9%. Trong tháng, cả nước còn có 2.137 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,2% so với tháng trước; 2.351 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 1,1%; có 2.931 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 40,3%; 1.455 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,5%.
                
   

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2019 tăng 21,2% so với cùng kỳ 2018 -Ảnh minh họa

   

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, có gần 67 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 860,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7%. Kết quả số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 6 tháng đạt cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua. Nếu tính cả 1.310,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.170,5 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 21,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng năm nay lên gần 88,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là 649 nghìn người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, có 960 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 18,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27,2%; có 47,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,4%. Trong đó, phần lớn các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước.
                
   

Dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Vinfast - biểu tượng mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam -Ảnh: TTXVN

   

Tuy nhiên, ghi nhận của Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, trong 6 tháng qua, có 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 11 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018 (chiếm 50,3% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể); doanh nghiệp thông báo giải thể là 6,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 29,6% và 4,4 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 20,1%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2019 là 7,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 7,1 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Xu hướng kinh doanh khởi sắc

Kết quả điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 cho thấy, có 45,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước và 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Chỉ có 16,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Đưa ra dự báo về tình hình quý III/2019, có 52% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 36,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Chỉ có 11,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đánh giá lạc quan nhất khi có tới 91,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2019 tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước lần lượt là 86,5% và 87,8%.
                
   

52% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo xu hướng kinh doanh tốt lên - Ảnh: TTXVN

   

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2019, có 58,4% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 44,3% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 30,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,4% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 22,3% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.

Kết quả khảo sát về khối lượng sản xuất cho thấy, có 47,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2019 tăng so với quý trước; 16,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Cùng với xu hướng dự báo lạc quan ở quý III, có 91,9% doanh nghiệp cho rằng 6 tháng cuối năm 2019 khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm 2019 (58,6% số doanh nghiệp dự báo tăng; 33,3% số doanh nghiệp dự báo ổn định); chỉ có 8,1% dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Về đơn đặt hàng, có 41,4% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2019 cao hơn quý trước; 16,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 42,1% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định., có 47,9% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng của quý III/2019 tăng lên; 10,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm với 91,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định (54,1% số doanh nghiệp dự báo tăng; 37,8% số doanh nghiệp dự báo ổn định), chỉ có 8,1% doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 36,7% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu quý II/2019 cao hơn quý trước; 16% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 47,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Dự kiến trong quý III/2019, có 41,7% số doanh nghiệp sẽ tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Với những kết quả khảo sát này, đa phần các doanh nghiệp chế biến, chế tạo thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng kinh doanh của quý III sẽ ổn định và khởi sắc hơn.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Hơn 670 dự án mới đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong nửa đầu năm 2019, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 8.900 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 186 tỷ USD.
  • Chưa đề xuất ngày nghỉ bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Liên quan đến đề xuất thêm ngày nghỉ trong năm là ngày 27/7 theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sau đó được rút lại, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp đã trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề này tại cuộc họp báo thông tin tình hình của ngành 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 2/7, tại Hà Nội.
  • Thực thi EVFTA, cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU, nhưng kèm theo đó là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.
  • CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 2/7, tại Hà Nội, Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay cùng phối hợp tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
  • Petrolimex đẩy mạnh hợp tác với đối tác Nhật Bản
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa cho biết, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Petrolimex và Tập đoàn JXTG Tsutomu Sugimori (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu trong lĩnh vực LNG & Gas tại Việt Nam.
Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh quý III/2019