Những lần thực hiện dự án hầm Đèo Cả, Hải Vân 2, Trung Lương – Mỹ Thuận hay khi “giải cứu” cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đâu đó vẫn có những hoài nghi về năng lực và tự lực của Tập đoàn Đèo Cả.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả một lần nữa khẳng định: “Hoài nghi sẽ là điểm tựa để chúng tôi trưởng thành, kết quả sẽ là câu trả lời xác đáng nhất”.
Khát vọng để dấn thân, hoài nghi là động lực
Gần 40 năm gây dựng và đi lên từ mô hình hợp tác xã cấp tỉnh, 15 năm gia nhập lĩnh vực hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả ghi dấu ấn của mình bằng việc hoàn thành nhiều dự án dọc khắp Bắc Nam, “vạn sự khởi đầu nan” bằng công trình hầm đặc biệt xuyên Đèo Cả.
Nhớ lại thời điểm ông Hồ Minh Hoàng cùng các cộng sự đề xuất dự án này, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ, ông không khỏi ngạc nhiên khi một thanh niên chạc 30 tuổi, từ Phú Yên ra Hà Nội, bước vào phòng làm việc của Bộ trưởng, tự tin bày tỏ khát vọng cháy bỏng làm hầm Đèo Cả.
Nhưng số người đặt niềm tin không nhiều, thậm chí cho rằng khát vọng có con đường xuyên dãy Đại Lãnh là “khùng”. Thế rồi 4,2 km hầm Đèo Cả - công trình giao thông xuyên núi phức tạp, quy mô lớn đầu tiên do người Việt thực hiện đã hoàn thành trước nhiều sự ngỡ ngàng của các nhà quản lý, giới chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông. Gần 7 năm qua, hầm Đèo Cả phục vụ hơn 13 triệu lượt xe qua hầm an toàn, thông suốt.
Tại lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Đèo Cả với tinh thần trách nhiệm cao, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết thì mới phát huy được nội lực để đảm đương việc khó”.
Sau chuỗi hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, họ tiếp tục dấn thân vào hai dự án đang dang dở là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km đẹp như dải lụa trải giữa núi rừng Đông Bắc chỉ sau 2 năm “thần tốc” - cho đến nay vẫn là kỷ lục làm đường cao tốc ở Việt Nam. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới chỉ thực hiện 10% tổng khối lượng công việc sau 9 năm triển khai, đã được Tập đoàn Đèo Cả hoàn thành 90% phần việc còn lại sau chỉ 3 năm.
Trả lời cho câu “Tại sao không chờ tham gia các dự án mới thay vì nhận lại các dự án đã bị nhà đầu tư cũ buông bỏ?”, đại diện Đèo Cả trả lời: “Chúng tôi làm dự án khó để góp năng lực, uy tín và trách nhiệm cho đất nước. Việc dễ thì cũng sẽ không đến lượt mình”. Nói đi phải nói lại, dự án khó như vậy, có lẽ, mới chỉ thấy có Đèo Cả dám lao vào.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh đầu tư vừa được khởi công ngày 01/01/2024. Nhưng mối duyên với Cao Bằng đã “bén” từ năm 2018, khi lãnh đạo tỉnh này mời Đèo Cả lên khảo sát lại một dự án cao tốc cần thiết nhưng nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Ông Lại Xuân Môn - thời điểm đó là Bí thư Cao Bằng thừa nhận: “Nếu Đèo Cả lên Cao Bằng làm kinh tế, họ không lên”.
Tập đoàn Đèo Cả nhận định, nhìn từ lợi ích kinh tế - xã hội, cho người dân, địa phương này cần phải có con đường khác thuận lợi hơn, đồng thời, khẳng định việc triển khai Đồng Đăng – Trà Lĩnh còn là trách nhiệm của người con đất Việt tri ân mảnh đất cội nguồn cách mạng.
Bản lĩnh vượt khó...
Nhiều công trình tầm vóc đã hoàn thành, nhiều dự án lớn vẫn tiếp tục được đảm trách. Nhưng để đạt được thành tựu và sự tin tưởng ấy là nhiều thách thức phải vượt qua.
Tại dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, nhà đầu tư tiết giảm được 4.225 tỷ đồng, tương đương 28% tổng vốn đầu tư dự án bằng việc cho khảo sát lại hướng tuyến tránh những đứt gãy, chồng lấn của địa hình, rút ngắn chiều dài gần 1km.
Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà đầu tư, là dự án cuối cùng trong 3 dự án PPP thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nhưng thu xếp vốn xong đầu tiên bởi sáng tạo mô hình PPP+ để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Hoài – Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 đánh giá nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính tốt nên dù khối lượng công việc khổng lồ với nhiều khó khăn đều ứng phó được. “Đèo Cả rất “trọng lời hứa” để quyết tâm hoàn thành dự án đúng hẹn”, ông Hoài nói. Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ hòa mình vào huyết mạch giao thông quốc gia vào cuối tháng 4/2024.
Trước khi Đèo Cả đến với Đồng Đăng – Trà Lĩnh, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm hiểu, nhưng đều nhanh chóng rời đi. Bằng kinh nghiệm làm những dự án phức tạp trước đó, Đèo Cả đề xuất điều chỉnh hướng tuyến, rút ngắn 23km chiều dài, giảm Tổng mức đầu tư xuống còn gần 23.000 tỷ đồng (hơn 50% so với phương án ban đầu), đồng thời, đưa phương án phân kỳ đầu tư với 14.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1, sáng tạo mô hình PPP++ tăng nguồn vốn huy động, tối ưu quản trị. Dự án đang được thi công, quyết tâm thông tuyến vào đầu năm 2026.
Tốc độ phát triển của Tập đoàn Đèo Cả có thể nhìn thấy trực quan bằng khối lượng công việc ngày một lớn, đòi hỏi trình độ quản trị điều hành cao hơn, bộ máy nhân lực các cấp phải được củng cố cả về lượng và chất. Doanh nghiệp này đi tìm lời giải cho “bài toán” nhân lực bằng việc chú trọng tuyển dụng, đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức…
Đèo Cả luôn xác định “tri thức tạo giá trị” và mỗi công trường là một thao trường để rèn giũa nâng cao năng lực “thực chiến” cho cán bộ, công nhân viên.
Đèo Cả còn hợp tác với nhiều đơn vị để triển khai đào tạo chuyên ngành trên cơ sở lý thuyết hàn lâm gắn với thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, tăng cường đào tạo ngành đường sắt để “đón đầu” mục tiêu phát triển hạ tầng đường sắt trong nước.
Ở Đèo Cả, học là để làm được việc, không có chuyện học cho có bằng cấp để báo cáo thành tích!
Khi công việc là thước đo
Hầm Đèo Cả là hầm lớn xuyên núi tiên phong được hoàn thành hoàn toàn bởi người Việt, phá bỏ tiền lệ phụ thuộc vào nước ngoài, là “cú hích” để cộng đồng doanh nghiệp Việt mạnh dạn phấn đấu “làm chủ cuộc chơi”.
Tự bản thân, tôi cho rằng “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm” là một chuỗi từ suy nghĩ đến hành động thống nhất. Lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm lợi ích tối thượng.
Coi hiệu quả công việc là thước đo. Không nản chí trước những rào cản, coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công. Vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng
Với tinh thần công khai, minh bạch, mong muốn báo chí có thông tin chính xác, đáng tin cậy, Tập đoàn Đèo Cả đã mời các nhà báo trực tiếp tham gia kiểm tra quá trình thực hiện, mà tiêu biểu nhất là ở Trung Lương - Mỹ Thuận, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. Qua phản ánh chân thực của báo chí để xã hội hiểu hơn về công việc Đèo Cả đang làm, về khát vọng mà họ theo đuổi.
Trên hành trình hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, không thể thiếu những doanh nghiệp dân tộc dám nhận sứ mệnh tiên phong, không ngại việc khó để khẳng định cái tiến bộ, truyền cảm hứng cho những nhận thức mới về quản trị điều hành từ quy mô quốc gia cho tới từng tế bào doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, có cơ chế và thể chế phù hợp, trên cơ sở đặt niềm tin đúng chỗ, chính là nền tảng để kích hoạt, nuôi dưỡng và phát huy những doanh nghiệp mang tinh thần dân tộc./.