Doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì lo đóng cửa nhà máy vì “cỏ độc”

(BKTO) - Thời gian gần đây, cơ quan kiểm dịch phát hiện những lô lúa mì nhập khẩu về Việt Nam có trộn lẫn một loại hạt của cỏ Cirsium arvense (cây kế đồng), do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang nghiên cứu việc buộc tái xuất theo diện kiểm dịch thực vật và ngưng nhập khẩu lúa mì từ một số thị trường lớn của Việt Nam. Điều này khiến nhiều DN nhập khẩu lúa mì hết sức lo lắng.



Nguy cơ ngưng nhập lúa mìvào Việt Nam vì “loài cỏ độc”

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng năm 2018, khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu là 3,13 triệu tấn, tương ứng 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong tháng 8, nhập khẩu lúa mì đạt 581.000 tấn với kim ngạch đạt 136 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 8 tháng năm 2018 lên hơn 3,6 triệu tấn, với trị giá 877 triệu USD, tăng 8,71% về khối lượng và tăng 24,71% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa, Việt Nam còn xuất trở lại vào các nước trong khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt. Những nguồn cung cấp lúa mì lớn là Mỹ, Nga, Australia, Canada... Tuy nhiên mới đây, cơ quan kiểm dịch đã phát hiện trong lúa mì nhập về Việt Nam có trộn lẫn một loại hạt của cỏ Cirsium arvense và được Bộ NN&PTNT xác định là “loài cỏ độc”. Thời gian tới, lúa mì nhập vào Việt Nam có khả năng buộc phải tái xuất theo diện kiểm dịch thực vật và ngưng nhập khẩu từ một số thị trường lớn.

Lý giải về vấn đề này, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Lê Sơn Hà cho biết, loại cỏ Cirsium arvense chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó có thể gây hại cho 27 loại cây trồng khác nhau. Nhiều nước như: Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ đã liệt Cirsium arvense vào loại thực vật nguy hại và bị cấm. Đã có nhiều bài học về xử lý loại cỏ này, đơn cử như Mỹ hằng năm thiệt hại hàng chục triệu USD do loại cỏ này làm mất mùa. Đặc biệt, hạt cỏ Cirsium arvense rất nhỏ, với khả năng lây bệnh rất cao bởi nó có thể tồn tại 20 năm trong nước mà vẫn nảy mầm. Nếu loại cỏ này xâm nhập vào nước ta thì nguy cơ hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi một số nước sẽ bị cấm, bởi đã có nước cấm loại cỏ này. Do đó, ông Lê Sơn Hà khuyến cáo, cần phải có biện pháp mạnh tay ngăn chặn cỏ Cirsium arvense thâm nhập vào Việt Nam, tránh để vấn đề trở nên nan giải và khó xử lý như ốc bươu vàng trước đây và hơn nữa là bảo vệ lợi ích chung của ngành nông nghiệp và hàng triệu hộ nông dân.

Cần linh hoạt trong áp dụngcác biện pháp xử lý

Trước khả năng cao sẽ phải cấm nhập khẩu lúa mì từ một số thị trường lớn của Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Bột mỳ VIMAFLOUR - ông Lim Pang Boon cho rằng, việc không quản được là cấm khiến DN rất “sốc”. Nếu bị cấm và không thể tìm được nguồn thay thế, Công ty sẽ phải đóng cửa nhiều nhà máy, hệ lụy rất lớn.

Nói về nguy cơ cấm nhập lúa mì nhiễm cỏ Cirsium arvense, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An Phan Thanh Hiếu cho hay, hiện nhu cầu bột mì ngày càng cao. Ngoài việc làm nguyên liệu sản xuất mì ăn liền, bánh mì, bánh ngọt, bột mì còn được sử dụng để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nếu thực hiện ngay việc cấm nhập lúa mì thì các DN sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế kịp thời, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Cổ phần Lúa Vàng Lê Vũ Quỳnh Trang cho biết, ngoài giá trị kinh tế khi xuất khẩu bột mì vào các thị trường lớn trên thế giới thì bột mì còn là thức ăn dành cho thủy sản. Hiện chúng ta đang tập trung sản xuất mạnh mặt hàng này để phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng như xuất khẩu, đây là nguồn đảm bảo đời sống cho nông dân. Nếu thay thế nhà cung cấp thì DN không thể chuẩn bị kịp phương án và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thức ăn thủy sản trong thời gian tới.

Đưa ra quan điểm của mình, Chuyên gia kinh tế nông nghiệp Trần Duy Khanh nhận định, nếu lúa mì có chứa cỏ Cirsium arvense được nhập khẩu về làm hạt giống thì nhất định phải cho tái xuất hoặc cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu lúa mì nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi, đều phải nghiền và xử lý nấu chín thì cần xem xét kỹ lưỡng khi áp dụng biện pháp tái xuất, cấm xuất hoặc tiêu hủy, bởi DN trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, yếu về tiềm lực tài chính và công nghệ. Vì vậy, cần linh hoạt trong áp dụng các biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc cấm nhập khẩu lúa mì có cỏ Cirsium arvense vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Cục Bảo vệ thực vật nên cho DN thêm thời gian, bởi để thay đổi bạn hàng, đối tác đã gắn bó hàng chục năm với DN không dễ. Đồng thời, cần phải làm sao vừa quản lý tốt, vừa giảm thiệt hại cho DN và người lao động, đó mới là vấn đề quan trọng.
         
Theo Cục Bảo vệ thực vật, cỏ Cirsium arvense là một loài thực vật thuộc chi Cirsium trong họ Cúc, bản địa khắp châu Âu và phía Bắc châu Á. Loại cỏ này là đối tượng cấm của nhiều nước như: Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Argentina, Brazil, bởi khi chúng xuất hiện sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với môi trường, đất đai trồng trọt. Nhiều nước đã tốn hàng chục tỷ đồng để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của loại cỏ này.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018
Cùng chuyên mục
  • Khơi nguồn nông sản Việt
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đó là chủ đề Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ ba do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 6. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
  • Phát hiện nhiều sai sót từ hai phương pháp tính giá đất tại tỉnh Đồng Nai
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2017, KTNN khu vực XIII đã thực hiện cuộc kiểm toán: Việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị và các dự án được giao, thuê đất giai đoạn 2014-2016 của tỉnh Đồng Nai. Về cơ bản, các phát hiện chủ yếu trong cuộc kiểm toán này đều liên quan đến vấn đề xác định giá đất làm cơ sở tính tiền thuê đất và sử dụng đất.
  • Thúc đẩy xuất khẩu gạo thương hiệu Việt ra quốc tế
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10, chiều 10/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã phối hợp với tạp chí The Rice Trader (TRT) tổ chức Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam.
  • Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối toàn cầu của AEON
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chiều 10/10, tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Bộ Công thương Việt Nam và Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
  • Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành chính thức từ năm 2019
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 08/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm giai đoạn từ 01/7/2017 đến 30/6/2018.
Doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì lo đóng cửa nhà máy vì “cỏ độc”