Mong có Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường

(BKTO) - Chiều 04/6, tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh mong muốn trong dài hạn, chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường.

04.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn chiều 04/6. Ảnh: VPQH

Phải có lộ trình và giải pháp đồng bộ trong bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã yêu cầu riêng phần ngân sách nhà nước phải đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường đạt mức chi không dưới 1%.

Tuy nhiên hiện nay, các địa phương chưa thể bố trí 1% cho công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, rất là nhiều địa phương chưa tự cân đối thu chi được, đảm bảo ngân sách 1% cho bảo vệ môi trường, chúng ta chưa đạt được, trong khi đó ô nhiễm môi trường gia tăng.

“Để đảm bảo tính bền vững, chúng ta phải đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ, xây dựng, vận hành các công trình thu gom, xử lý, hạ tầng… Giải pháp tổng thể như vậy phải cần nguồn lực rất lớn cho thực hiện công tác bảo vệ môi trường hiện nay” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất về hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư. Hiện nay, có nguồn sự nghiệp vốn môi trường mà các địa phương thì rất cần có tính chất đầu tư, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải. Việc này, nguồn sự nghiệp có tính chất đầu tư thì chúng ta bố trí thêm và đặc biệt là nguồn của Trung ương, rất nhiều địa phương khó khăn có thể bố trí được nguồn này. Cho nên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị có sử dụng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Đối với việc thực hiện bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, chúng ta phải có lộ trình và giải pháp đồng bộ, trong đó có nguồn lực.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn nghĩ, thời gian tới, chúng ta phải tính đến có nhiều dự án thí điểm hoặc nhiều dự án khôi phục các dòng sông, cả hệ thống phải làm triệt để để những dòng sông trở thành những dòng sông xanh, sạch, như vậy cũng cần nguồn lực” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề xuất.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để bảo vệ môi trường của cả quốc gia thì trong dài hạn cũng phải tính đến một Chương trình mục tiêu quốc gia. Ở đây, mục tiêu quốc gia thì không phải là nguồn lực nhưng khi có Chương trình mục tiêu quốc gia thì chắc chắn rằng, cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp đều tham gia bảo vệ môi trường, tham gia đóng góp bảo vệ môi trường từ ý thức, nhận thức và trách nhiệm.

Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, về vấn đề nguồn lực, ngoài nguồn lực đầu tư công thì huy động được rất nhiều nguồn lực xã hội hóa. Bộ trưởng dẫn chứng: Chúng ta làm chương trình xây dựng nông thôn mới, thực ra, mình huy động rất nhiều nguồn lực từ trong dân, từ trong doanh nghiệp và ý thức, trách nhiệm của người dân.

“Về dài hạn, tôi vẫn mong muốn và đề xuất, còn tất nhiên Chương trình mục tiêu quốc gia thì có thể nhiệm kỳ sau, nhưng cũng mong muốn có một Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đặc biệt nhấn mạnh, đồng thời cũng mong các địa phương, các cấp ngân sách ưu tiên nguồn lực để thực hiện bảo vệ môi trường.

“Theo tôi, công tác bảo vệ môi trường thì chúng ta cứ làm từng bước, có đến đâu thì làm đến đấy, làm đến đâu thì đảm bảo khu vực đấy, vùng đấy” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.

03.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 04/6. Ảnh: VPQH

Tăng cường hệ thống quan trắc, đánh giá mức độ nguồn thải

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thoát nước thải, xử lý nước thải và tái sử dụng khu công nghiệp đô thị, khu dân cư tập trung, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ, nước thải được khuyến khích tái sử dụng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và sử dụng nước tiết kiệm.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện kinh tế tuần hoàn, việc tuần hoàn lại nước, xử lý nước và sau đó tái sử dụng cho các mục đích sử dụng là rất quan trọng. Hiện nay, các tòa nhà có nhiều tòa nhà thông minh, tái sử dụng cơ bản các loại nước, các khu công nghiệp. Như vậy, việc tái sử dụng nước phục vụ cho kinh tế tuần hoàn trong tương lai là rất cần thiết” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP quy định chi tiết về những nội dung liên quan đến tái sử dụng nước thải và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan. Vừa qua, chúng ta cũng đã ban hành nhiều hướng dẫn và có những phối, kết hợp, trong đó tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn các Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tăng cường thu gom, xử lý nước thải là các nguồn thải lớn ở các địa phương, phối hợp với các địa phương để thực hiện hệ thống quan trắc tự động và hệ thống xử lý nước thải, thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước.

Để đáp ứng được tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nguồn nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh, với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác kiểm tra thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng về môi trường nước mặt sông hồ.

“Để quản lý được chất lượng này, thì chúng ta phải tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát, tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý kiểm kê, đánh giá mức độ nguồn thải. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rà soát, đánh giá khoảng 13 lưu vực sông về sức chịu tải” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, khi chúng ta biết được chất lượng sức chịu tải, thực trạng các dòng sông thì có các giải pháp, yêu cầu cùng với các địa phương xem các dự án đầu tư vị trí nào, xả thải ra sao và những khu vực cấm không được xả thải vì quá sức chịu đựng của môi trường. Đây là việc mà trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện./.

Cùng chuyên mục
Mong có Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường