Doanh nghiệp tiếp tục duy trì nỗ lực “vượt sóng”

(BKTO) - Theo các chuyên gia, năm 2024, dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, song khó khăn cũng rất lớn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Điều đó đòi hỏi cộng đồng DN cần phải nhận diện đầy đủ, sâu sắc những cơ hội, thách thức để có thể tiếp tục vượt khó, duy trì sự phục hồi và phát triển.

12.jpg
Năm 2024 có những điều kiện thuận lợi nhất định đối với cộng đồng DN, song khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Ảnh: ST

Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh doanh nghiệp

Nhìn lại năm 2023, số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước có 217.700 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm trước; bình quân một tháng có 18.100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 172.600 DN, tăng 20,5%; bình quân một tháng có 14.400 DN rút lui khỏi thị trường.

Bình luận về những gam màu “sáng, tối” trong bức tranh DN năm 2023, chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chia sẻ, GDP tăng 5,05% là kết quả rất đáng khích lệ, gấp khoảng 1,6 lần mức tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, là nét khác biệt đáng tự hào, điểm sáng trước những “cơn gió ngược” của toàn cầu. Kết quả trên có được, bên cạnh sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm của Chính phủ, không thể không nhắc đến sự kiên cường, bền bỉ và những nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DN vẫn gặp vô vàn khó khăn. Đơn hàng sụt giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; xu hướng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng khiến DN bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu. Hệ thống chính sách, quy định pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, còn nhiều điều kiện kinh doanh… là những rào cản rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN. “Số lượng DN rời bỏ thị trường tăng khá cao đem đến những quan ngại về “sức khỏe” của cộng đồng DN cũng như đòi hỏi cần có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đang còn bủa vây DN” - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Bước sang năm 2024, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, có một số yếu tố tích cực tác động đến hoạt động của cộng đồng DN. Cụ thể, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra tín hiệu về việc hạ lãi suất trong năm 2024, đem đến kỳ vọng về việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở thị trường Mỹ - một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do đang thực thi với tổng cộng hơn 50 đối tác thương mại ở 4 châu lục, cùng với việc Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn (gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản), sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN để có thể tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần ở các thị trường, nếu các DN có kế hoạch, chiến lược khai thác những lợi thế này một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các chính sách được ban hành trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế, cùng với một số chính sách hỗ trợ DN tiếp tục được duy trì trong năm 2024. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề tồn đọng, bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, cũng như trong công tác thực thi gây cản trở hoạt động của DN, nhất là trong những lĩnh vực như: Xây dựng, bất động sản, trái phiếu DN… đã, đang được tập trung tháo gỡ và có những chuyển biến tích cực, giúp giảm bớt khó khăn cho DN.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2024, tổng số DN đăng ký thành lập mới dự kiến tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162.500 DN. Số DN rút lui khỏi thị trường tăng khoảng 3,5% so với năm 2023, tương đương hơn 178.000 DN.

Nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đánh giá năm 2024 có những điều kiện thuận lợi nhất định đối với cộng đồng DN, tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn, thách thức cũng là không nhỏ. Cụ thể, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, kéo theo ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Mặt khác, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu sẽ khiến quy mô thị trường của DN bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh khác. Bên cạnh đó, chi phí một số nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của DN vẫn có xu hướng tăng kéo dài từ năm 2023 khiến DN có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá bán và giảm sức cạnh của DN; đồng thời, các DN cũng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, cũng như chi phí vốn vay vẫn còn ở mức khá cao…

Để giúp DN vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, tiếp tục phục hồi và phát triển, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN.

Song song với đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó trọng tâm là tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Về phía DN, theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các DN cần đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị rủi ro. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, đổi mới công nghệ, đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thực hiện chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số và các yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường./.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp tiếp tục duy trì nỗ lực “vượt sóng”