Doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng trong đàm phán giao thương

(BKTO) - Trước một số vụ việc giao thương của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Ấn Độ, Trung Đông có nguy cơ mất hàng, mất tiền hoặc tranh chấp thương mại, Bộ Công Thương vừa phát đi cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

5.jpg
Nông sản Việt được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. Ảnh sưu tầm

Cẩn trọng để tránh tiền mất, tật mang

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, một số doanh nghiệp thành viên của VPA đã kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Đông gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều và gặp phải các giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng tại Trung Đông.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã có Công hàm gửi Đại sứ quán liên quan và đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.

Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn gồm Đại sứ quán của bên liên quan, đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp là chủ các lô hàng xuất khẩu sang Trung Đông.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại khu vực Trung Đông tích cực vào cuộc và sớm xử lý vụ việc.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp Việt cần thận trọng trong đàm phán, giao dịch để tránh những sự vụ tranh chấp thương mại có khả năng xảy ra.

Cụ thể, theo ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, đã có trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm quế, hồi sang Ấn Độ và một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu cá ngừ đại dương từ phía Ấn Độ. Trong hai trường hợp này, giá trị đơn hàng đều lớn lên tới hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, các điều khoản trong hợp đồng đều có lợi hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ và khi xảy ra tranh chấp, hàng hóa phải lưu kho trong thời gian dài với chi phí rất cao khiến doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhún nhường và chịu thiệt hại rất lớn.

4.jpg
Quế, hồi của Việt Nam được thị trường Ấn Độ đánh giá cao. Ảnh sưu tầm

Cẩn trọng, an toàn phải được đặt lên hàng đầu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại một số thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ.

Lãnh đạo Vụ thị trường châu Á - châu Phi nêu rõ, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (Telegraphic Transfer) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất!

Cụ thể, với hình thức thanh toán TT trả sau, bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Với hình thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố cũng có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước.

Thậm chí, bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.

Theo các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, tất cả các lô hàng được thanh toán theo điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P). Có nghĩa là bộ chứng từ gốc sẽ được ngân hàng của bên bán chuyển đến ngân hàng của bên mua, sau đó bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của bên mua.

Sau khi ngân hàng bên mua nhận đủ số tiền sẽ đồng thời chuyển tiền sang ngân hàng bên bán, khi đó ngân hàng của bên mua mới được phép giao bộ chứng từ gốc cho bên mua để nhận hàng.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng của bên mua chưa chuyển tiền cho ngân hàng của bên bán thì bên mua sẽ không thể lấy bộ chứng từ gốc để lấy hàng tại cảng. Như vậy, các giao dịch nêu trên có dấu hiệu gian lận xảy ra tại ngân hàng nơi doanh nghiệp Việt Nam gửi bộ chứng từ D/P - đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Để tránh những rủi ro, thiệt hại khi giao dịch chứng từ, hóa đơn thanh toán... tại các thị trường có rủi ro cao, doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất. Các doanh nghiệp nên chọn phương thức thanh toán như mở LC (thư tín dụng), hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Bộ Công Thương

Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn cao hơn so với thanh toán TT và séc. Tuy nhiên, cần lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đảm bảo an toàn, tránh trường hợp giao chứng từ và nhận chứng từ không có ký nhận, dẫn đến sự việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền cho ngân hàng bên mua để trả cho ngân hàng bên bán.

Đưa ra khuyến nghị tương tự về sự cẩn trọng, đảm bảo an toàn trong giao dịch, ông Bùi Trung Thướng cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên lựa chọn phương thức thanh toán L/C để đảm bảo an toàn.

Ông Thướng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn, kinh doanh với đối tác Ấn Độ cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin của đối tác và kiểm chứng mức độ uy tín của đối tác trước khi ký kết hợp đồng.

Các doanh nghiệp Việt nên trực tiếp đến Ấn Độ để gặp gỡ đối tác, khảo sát hoạt động kinh doanh của công ty và tìm hiểu, xác thực các thông tin quan trọng như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website, đại diện pháp nhân, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và mã xuất nhập khẩu (IEC).

Theo cảnh báo của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, trong quá trình thương thảo hợp đồng, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn thận và làm từng bước. Việc trao đổi thông tin giữa hai phía trong quá trình thương thảo hợp đồng cần được thể hiện bằng văn bản hoặc email cũng là một cách để tránh các tranh chấp sau này.

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các thành viên APEC
    8 tháng trước Kinh tế
    Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 13 diễn ra tại Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các thành viên APEC triển khai các hoạt động, chương trình hợp tác, xây dựng và nâng cao năng lực về năng lượng.
  • Nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 15 vừa diễn ra tại Indonesia, các Bộ trưởng đã đánh giá cao những kết quả đạt được của 4 nước trong giao thương, thu hút đầu tư với khu vực và thế giới.
  • Thúc đẩy hợp tác kinh tế trong ASEAN và các đối tác
    8 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 19/8, các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (diễn ra từ 19-22/8) đã khai mạc tại Semarang - Indonesia, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan.
  • PVN trên lộ trình triển khai mục tiêu cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2
    9 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình, đến năm 2025 dự kiến cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010 và giai đoạn 2031-2050 sẽ triển khai nhiều giải pháp “xanh" hóa các dự án.
  • Nam Định ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Hàng không Việt Nam
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định vừa tổ chức Lễ ký kết biên bản thỏa thuận Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2023-2027 với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Đây là cơ sở bước đầu để hai bên tăng cường quảng bá hình ảnh, khẳng định vai trò của mỗi bên, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của nhau trong quá trình hoạt động và phát triển.
Doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng trong đàm phán giao thương