Doanh nghiệp Việt có thể tụt hậu nếu không làm chủ được công nghệ

(BKTO) - Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của ngành dịch vụ tài chính. Thực tế cho thấy, công nghệ tài chính giúp DN tiếp cận thị trường mới nhanh hơn, mạnh hơn nhưng cũng đặt ra cho DN không ít thách thức. Nếu không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và làm chủ được công nghệ, DN có thể sẽ bị tụt hậu trong tương lai.



Thói quen tiêu dùngthời số hóa đang thay đổi nhanh chóng

Khảo sát về thương mại điện tử của Nielsen cho biết, 55% người tiêu dùng Việt Nam đã và sẵn lòng sử dụng các thiết bị di động có kết nối để mua sắm nhanh và hiệu quả hơn. Cũng theo một nghiên cứu nữa của Nielsen được thực hiện hằng tháng tại Hà Nội và TP. HCM, có khoảng 25% khách hàng trong độ tuổi 18 - 25 đang sử dụng dịch vụ tài chính nói chung, tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước kia. Các số liệu trên cho thấy khả năng tăng trưởng mạnh của ngành dịch vụ tài chính.

Tại Hội thảo “Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số”, ông Phạm Minh Tùng - Trưởng nhóm nghiên cứu Nielsen Việt Nam - đánh giá: Bức tranh về thói quen tiêu dùng thời số hóa đang thay đổi nhanh chóng nhờ các xu hướng công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), ứng dụng robot (Robotics) hay 5G. Người tiêu dùng hiện tại cần sự tiện lợi, tính cá nhân hóa và đặc biệt là không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Vì vậy, các DN cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này. Đặc biệt, nếu có những sản phẩm được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, nhất là tiêu dùng online thì đó sẽ là một lợi thế lớn.

Dẫn chứng về những thành công của DN khi tích hợp công nghệ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới, đại diện Nielsen cho biết: Amazon Prime đã triển khai dịch vụ chuyển hàng bằng robot tự động; mô hình bán lẻ O2O (từ trực tuyến đến ngoại tuyến) áp dụng chính sách người tiêu dùng mua hàng trực tuyến nhưng nhận hàng tại điểm bán do hệ thống đề xuất sao cho tiện lợi nhất đối với họ. Hay, các chương trình khuyến mại được DN gửi trực tiếp đến khách hàng dựa trên các dữ liệu đầu vào giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian… Tóm lại, dịch vụ càng tiện lợi sẽ càng khuyến khích người tiêu dùng.

Bên cạnh xu hướng tiêu dùng chung, các dịch vụ liên quan đến tài chính cũng đang thay đổi rõ rệt, đặc biệt là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn tiền từ thẻ ngân hàng hay ví điện tử... Theo khảo sát của Nielsen, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng cao hơn trong năm nay. Cụ thể: 33% người tiêu dùng cho biết họ dùng phương thức chuyển khoản khi mua sắm hàng hóa qua mạng và 36% người dùng thanh toán giao dịch bằng thẻ tín dụng hay ghi nợ. Cùng với sự bùng nổ của dịch vụ thanh toán, các sản phẩm tài chính khác cũng đang thay đổi nhanh chóng, mang lại lợi ích cho khách hàng nhờ tích hợp công nghệ. Chẳng hạn, Công ty Tài chính tiêu dùng FE CREDIT đã cho ra mắt ứng dụng $NAP giúp rút ngắn thời gian duyệt khoản vay chỉ còn khoảng 15 phút, thay vì 4 - 5 ngày như trước kia. Đặc biệt, quy trình duyệt khoản vay không có sự tham gia của con người.

Doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, dù tiềm năng của ngành dịch vụ tài chính còn rất lớn nhưng thách thức cũng không hề ít. Trên thực tế, sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế như: kinh tế chia sẻ, nền tảng dịch vụ chia sẻ về phương tiện/phòng ở... đã đặt ra thách thức cho các nhà cung cấp dịch vụ trong việc xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM - nhận định, một trong những rào cản lớn của DN khi đứng giữa nền kinh tế số là làm sao thuyết phục được lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng với mô hình kinh doanh mới. Đơn cử như việc tranh luận Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số hay là một hình thái tiền tệ thay thế đồng tiền truyền thống: Nếu Chính phủ và ngân hàng T.Ư các nước đồng ý với Bitcoin, nó sẽ thay thế các đồng tiền tệ và lịch sử thế giới sẽ sang trang mới; nếu ngân hàng T.Ư các nước và người dân không chấp nhận, Bitcoin sẽ sớm chấm dứt sứ mệnh của nó. “Như vậy, chính thái độ và lòng tin sẽ quyết định vận mệnh của các giao thức kinh doanh mới” - ông Bảo đúc kết.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Ly - Chủ tịch HĐQT Công ty Fintek, sự phát triển của công nghệ tài chính trong nền kinh tế giúp các DN cạnh tranh trên thị trường có cơ hội đồng đều nhau. Tuy nhiên, để có được doanh số, DN cần phải có nền tảng cơ bản là sản phẩm mang tính cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ vậy, áp lực của DN trong nước sẽ ngày càng lớn hơn khi các DN nước ngoài có tốc độ thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường rất nhanh, họ sẵn sàng và dễ dàng mua các DN công nghệ tài chính phát triển tốt trong nước. Vì vậy, nếu chậm chân, DN Việt Nam có thể bị bỏ xa trong cuộc đua áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, DN Việt cũng nên thay đổi quan điểm, cần xem công nghệ tài chính là đối tác cùng phát triển lâu dài thay vì chỉ bỏ tiền mua công nghệ là xong.

Đồng quan điểm trên, ông Kalidas Ghose - Tổng Giám đốc FE CREDIT- cho rằng: DN Việt Nam cần làm chủ công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. “Khách hàng ngày một thông minh hơn. Vì vậy, dịch vụ tài chính trong tương lai phải là dịch vụ tiếp cận dễ hơn, phù hợp với hành vi ngày một thay đổi của người tiêu dùng” - ông Kalidas Ghose nhấn mạnh.

NGUYỄN LY
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp Việt có thể tụt hậu nếu không làm chủ được công nghệ