Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu là DN, doanh nhân, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý |
Ngày 11/12, tại Hà Nội, gần 300 đại biểu đã tham dự Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế, DN tái khẳng định vai trò quan trọng của phát triển bền vững; từ đó, trao đổi, thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cộng đồng trên cơ sở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Diễn đàn cũng giúp lan tỏa đến DN về tầm quan trọng của trách nhiệm đối với cộng đồng cũng như đưa phát triển bền vững trở thành tiêu chí hàng đầu của DN.
Sau nhiều năm, năm 2018, kinh tế Việt Nam đã quay trở lại tăng trưởng nhanh với tốc độ GDP đạt mức 7%. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng DN tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131.000 DN thành lập với số vốn trên 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, 11 tháng năm 2019, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế, thương mại thế giới tăng trưởng chậm, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước đối diện với nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế này, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện, thúc đẩy DN phát triển bền vững gắn liền với cộng đồng, thực hiện mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận song hành với việc đảm bảo đóng góp giá trị với xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều DN chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Lê Vinh - đại diện Viện Chiến lược phát trển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhìn nhận, dù rất nhiều chiến lược, chính sách được đưa ra để thúc đẩy DN phát triển song hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tạo được động lực đối với nền kinh tế, vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế của DNNN còn mờ nhạt. Hơn nữa, tính công khai, minh bạch của DNNN còn thấp, dù đã được cải thiện…
Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Lê Vinh đưa ra kiến nghị về chính sách phát triển bền vững DNNN. Theo đó, DNNN cần cơ cấu lại, đổi mới theo cơ chế thị trường theo hướng cổ phần hoá, bán vốn của DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không giữ quyền chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả; xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cho phá sản các DNNN yếu kém.
Đối với DN ngoài nhà nước, bà Vinh cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách phát triển DN ngoài nhà nước cho đồng bộ, giảm tối đa thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho DN; khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tầu, đa sở hữu; tạo điều kiện để kinh tế tư nhân từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hơn nữa, xây dựng chính sách khuyến khích DN ngoài nhà nước góp vốn, mua cổ phần vào các tập đoàn kinh tế nhà nước khi cổ phần hoá hoặc thoái vốn, tạo điều kiện để DN ngoài nhà nước tham gia cơ cấu lại DNNN.
Để thúc đẩy DN phát triển bền vững, ông Nguyễn Ánh Dương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các thực tiễn quốc tế tốt về trách nhiệm xã hội của DN để lồng nghép ở mức độ thích hợp, có lộ trình vào khung chính sách của Việt Nam; đối thoại, tham vấn thực chất với DN về các quy định, thông lệ chính sách có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Mặt khác, các DN cũng cần nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm về phát triển bền vững gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.