Kiểm toán nhà nước cần đồng hành với bộ, ngành, địa phương trong quản lý, bảo vệ môi trường

HỒNG NHUNG - THÙY LÊ | 01/12/2022 16:04

(BKTO) - Tại Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, trình bày tham luận và phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, các đại biểu kiến nghị Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần tiếp tục đồng hành với các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

7.jpg
Ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành III . Ảnh: Nguyễn Ly

Ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành III: Tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, bảo vệ  môi trường qua kiểm toán

Công tác triển khai kiểm toán môi trường (KTMT) thời gian qua cho thấy vai trò của KTNN được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, KTNN có thể xem xét, đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực của các cơ chế, chính sách, quy định được ban hành; đồng thời cung cấp thông tin đáng tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT.

Thứ hai, KTNN góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ công tác BVMT nói chung và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói riêng.

Đặc biệt, với kiểm toán hoạt động, KTNN có thể đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công cho các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án… về BVMT.

Đây là một trong những nội dung kiểm toán hết sức quan trọng, bởi bên cạnh việc xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính, KTNN sẽ đưa ra những đánh giá khách quan, cung cấp thông tin một cách toàn diện cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp giúp cho các cơ quan quản lý kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót nhằm nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động kế tiếp.

Thứ ba, hoạt động KTMT góp phần chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các công cụ quản lý môi trường của các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, hoạt động KTMT góp phần phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định về BVMT.

8(1).jpg
Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ly

Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản Việt Nam (TKV): Cần lưu ý thêm các kiến nghị về quyền sử dụng đất

TKV luôn tin tưởng với vai trò quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, KTNN đã và sẽ góp phần tích cực thúc đẩy việc thực hiện công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam một cách đồng bộ, toàn diện và sẽ đạt được các thành tựu quan trọng trong thời gian tới.

Để góp phần hoàn thành các mục tiêu trên, TKV trân trọng kiến nghị KTNN có ý kiến với Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền một số nội dung sau:

Thứ nhất, trong xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia các thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cần đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, vướng mắc khi thực hiện; tạo không gian phát triển toàn diện, gắn kết giữa công nghiệp than - khoáng sản với các ngành kinh tế khác, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tiếp tục giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có năng lực làm nòng cốt thực hiện quy hoạch đối với một số khoáng sản mang tính chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng như: Than, bauxite, đất hiếm…

Thứ hai, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện các quy hoạch khoáng sản (titan, bauxite, đất hiếm, cromit…) đã hết kỳ quy hoạch cho đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mới; qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

Thứ ba, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về khoáng sản: KTNN cần có thêm nhiều kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp, nhất là về quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đồng bộ, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ công nghệ.

2(1).jpg
Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường.  Ảnh: Nguyễn Ly

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT): Hướng tới các nội dung kiểm toán mới

Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các cơ quan quản lý xây dựng dữ liệu về tài nguyên, môi trường quốc gia và tại các cơ sở doanh nghiệp hỗ trợ cho việc truy cập trực tiếp hoặc trích xuất dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu này cũng được bổ sung thêm thiết bị quan trắc để phát hiện thêm các nguồn tài nguyên mới ở biển. Đây là bước để Việt Nam cùng các nước chuyển dần từ kiểm soát đầu vào sang kiểm soát đầu ra, từ đó giảm chi phí kiểm tra, kiểm toán, đảm bảo hài hòa giữa chi phí bỏ ra và lợi ích kinh tế mang lại.

Thời gian tới, Bộ TN&MT và các doanh nghiệp sẽ hướng tới đa dạng sinh học, phát triển thị trường carbon. Dự kiến đến năm 2027, Việt Nam có thị trường carbon.

Để thực hiện được mục tiêu này, KTNN cần đồng hành với Bộ TN&MT làm tốt công tác kiểm soát, đánh giá tác động về môi trường. KTNN cần hướng tới những nội dung kiểm toán mới như kiểm toán đa dạng sinh học, kiểm toán carbon bên cạnh các cuộc kiểm toán về quản lý, sử dụng tài nguyên đất, rừng. 

4(1).jpg
Ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận.  Ảnh: Nguyễn Ly

Ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận: Cần kiểm toán quá trình triển khai các dự án về môi trường

Để phát huy hơn nữa vai trò của KTNN liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, trước hết, cần hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm đảm bảo được mục tiêu liên quan tới KTNN và tầm soát lại công tác quản lý nhà nước thành một “kim chỉ nam” để KTNN dễ thực hiện.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước để đảm bảo kế hoạch thực hiện hiệu quả, trong đó liên quan tới công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đất đai, khoáng sản. Điều này đảm bảo cho các địa phương tổ chức thực hiện tốt, đồng thời là cơ sở để KTNN thực hiện kiểm toán, qua đó thúc đẩy địa phương phát triển và hạn chế sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và vai trò của KTNN, đảm bảo sự chặt chẽ, đồng bộ; không tách rời vai trò của KTNN trong việc thực thi các nhiệm vụ tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự tham gia của KTNN vào quá trình tổ chức, triển khai các dự án liên quan đến môi trường/.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước cần đồng hành với bộ, ngành, địa phương trong quản lý, bảo vệ môi trường