Ưu tiên lựa chọn các cuộc kiểm toán môi trường có quy mô lớn

NGUYỄN LY - XUÂN HỒNG | 01/12/2022 15:30

(BKTO) - Nhiều cuộc kiểm toán môi trường đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế về cơ chế chính sách và công tác tổ chức thực hiện, đồng thời kiến nghị khắc phục những kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước. Để nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường, thời gian tới, KTNN cần tiếp tục ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu, tổ chức triển khai các cuộc kiểm toán quy mô lớn...

1(2).jpg
KTNN tổ chức Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của KTNN”. Ảnh: Nguyễn Ly

Bất cập trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Tại Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của KTNN”, ông Nguyễn Đức Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong quy hoạch khoáng sản hiện nay. 

Cụ thể, theo ông Thu, mức độ điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản còn thấp nên căn cứ để xây dựng các quy hoạch thăm dò khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng lập quy hoạch của nhiều địa phương còn thấp; nhiều quy hoạch xây dựng, phê duyệt trước thời điểm năm 2005 nhưng chưa được điều chỉnh.

Hơn nữa, các quy hoạch phát triển kinh tế vùng, quy hoạch phát triển một số ngành như năng lượng, hóa chất, luyện kim chưa được ban hành hoặc chưa đồng bộ nên gây nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng quy hoạch.

Những bất cập trong quy hoạch cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản đã được minh chứng rõ hơn qua kết quả kiểm toán của KTNN.

Bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - cho biết: Kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy, công tác bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản tại địa phương còn sai sót, chưa kịp thời điều chỉnh, đưa vào khoanh định khu vực cấm hoặc khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản...

Công tác thanh tra, kiểm tra tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Môi trường) và tại các địa phương chưa được thường xuyên theo quy định, việc phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ nên một số hành vi vi phạm của các đơn vị hoạt động khoáng sản chưa được xử lý, hoặc không xử lý đúng theo các quy định hiện hành.

Với quản lý tài nguyên đất, KTNN đã chỉ rõ tình trạng một số địa phương chậm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, giao đất không đúng đối tượng...

Trong khi đó, quy định về thẩm quyền giữa Thủ tướng Chính phủ và HĐND cấp tỉnh đối với việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng và đất rừng đặc dụng dưới 20 ha đang có sự chồng chéo.

Tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, diện tích, số lượng cơ sở đất đầu tư được giao rất lớn song chưa được các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ.

Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng đất không rõ nguồn gốc.

dsc_1363.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Đối với quản lý tài nguyên nước, việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông chưa đảm bảo quy định.

Tại các tỉnh được kiểm toán, Sở Công Thương chưa thẩm định đầy đủ các nội dung đối với thiết kế cơ sở; việc chuyển đổi mục đích đất rừng chưa đảm bảo quy định. Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công chưa xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản, quy định về quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.  

5.jpg
Bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - chia sẻ một số phát hiện của KTNN về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Ảnh: Nguyễn Ly

Giai đoạn 2018-2022, KTNN đã thực hiện 16 cuộc kiểm toán hoạt động và chuyên đề liên quan đến bảo vệ môi trường, qua đó phát hiện nhiều hạn chế liên quan đến việc ban hành chính sách như: Chưa có chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu; một số quy định về quản lý nhập khẩu phế liệu còn chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ.

Nhiều địa phương chưa xây dựng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho các công việc duy trì vệ sinh môi trường cũng như giám sát tần suất thực hiện làm cơ sở xác định nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc; chưa xây dựng các cơ chế, chính sách xử lý nước thải, chất thải rắn và cơ chế quản lý sau đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn theo kế hoạch được giao. Một số UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý...

Thiếu các căn cứ pháp lý để kiểm tra, đối chiếu dữ liệu

Mặc dù KTNN đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường nhưng thực tiễn cho thấy việc triển khai kiểm toán các lĩnh vực này gặp không ít thách thức, khó khăn.

Theo ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, tài nguyên và môi trường là lĩnh vực có phạm vi rất rộng và mang tính chất chuyên môn kỹ thuật rất cao, trong khi đó nguồn nhân lực của KTNN chủ yếu được đào tạo về lĩnh vực tài chính, xây dựng… chưa có đội ngũ kiểm toán viên được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

7.jpg
Ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc khi kiểm toán lĩnh vực môi trường. Ảnh: Nguyễn Ly

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đối chiếu, quan sát hiện trường tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động tác động tới môi trường là phương pháp hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, đây hầu hết là các cơ sở tư nhân nên KTNN chưa có căn cứ pháp lý để đưa các đơn vị này vào kế hoạch kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu.

Cùng với đó, hiện nay, KTNN cũng chưa thể yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có liên quan gửi các báo cáo về tình hình, công tác bảo vệ môi trường và các tài liệu liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hiệu quả việc lựa chọn chủ đề kiểm toán hoặc xây dựng kế hoạch kiểm toán trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Về phía KTNN, mặc dù KTNN đã ban hành hướng dẫn kiểm toán môi trường nhưng đây là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội nên việc nghiên cứu, xây dựng cẩm nang, hướng dẫn cho từng lĩnh vực cần nhiều thời gian, nhân lực.

Ngoài ra, KTNN chưa ban hành kế hoạch chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để làm căn cứ phát triển lĩnh vực kiểm toán môi trường, do đó, việc phát huy, thúc đẩy kiểm toán môi trường trong toàn Ngành vẫn còn những khó khăn. 

Hoàn thiện thể chế, chính sách và cơ sở dữ liệu về môi trường

Để phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, theo bà Lê Thị Thanh Thủy, thời gian tới, KTNN cần tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu trong quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hằng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

KTNN cần ưu tiên tổ chức các cuộc kiểm toán với nhiều đơn vị tham gia, hạn chế các cuộc kiểm toán đơn lẻ, phạm vi hẹp, chỉ giới hạn ở một đơn vị thực hiện.

Ngoài ra, KTNN cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công cụ hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin đảm bảo đồng bộ và tiếp cận được với hệ thống dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Một trong những nội dung trọng tâm được Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán các chuyên đề lớn, quan trọng của đất nước, qua đó đóng góp thiết thực vào công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng theo đúng chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” do KTNN Việt Nam đề xuất và được thông qua tại Đại hội ASOSAI 14 năm 2018.

Nhấn mạnh thêm về nội dung này, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện Trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cơ sở dữ liệu là một bước quan trọng để Việt Nam cùng các nước trên thế giới chuyển dần từ kiểm soát đầu vào sang kiểm soát đầu ra, từ đó giảm chi phí kiểm tra, giám giát.

Đồng thời, cơ sở dữ liệu tập trung cũng giúp KTNN xác định chủ đề, phương pháp kiểm toán phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa thời gian, chi phí kiểm toán với hiệu quả, lợi ích kinh tế mang lại.

Cũng liên quan đến vấn đề dữ liệu kiểm toán, từ kinh nghiệm quốc tế, bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN) - cho rằng, việc lập kế hoạch kiểm toán môi trường nên bắt đầu bằng việc thu thập tất cả các dữ liệu và thông tin cần thiết, nghiên cứu về bối cảnh, tình trạng, tầm nhìn và mục tiêu và tiêu chí kiểm toán. 

3.jpg
Bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường. Ảnh: Nguyễn Ly

Kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận - nhấn mạnh việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác kiểm toán tài nguyên môi trường. Đây cũng là cơ sở để KTNN có căn cứ kiểm toán, đánh giá tác động về môi trường khi kiểm toán các dự án.

Đặc biệt, theo ông Thạch, các địa phương, sở, ngành không tách rời vai trò của KTNN trong việc quản lý, thực thi các nhiệm vụ liên quan đến tài nguyên, môi trường./.












Cùng chuyên mục
Ưu tiên lựa chọn các cuộc kiểm toán môi trường có quy mô lớn