Đổi mới kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Chuyển từ cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) được lồng ghép 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và các chuyên đề) sang tổ chức thực hiện riêng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán (BCQT) NSĐP, rút ngắn thời gian kiểm toán, tăng số lượng BCQT NSĐP được kiểm toán… Đó là những nỗ lực của Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhằm đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán BCQT NSĐP hiện nay.

8-vp.jpg
KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: HUY THÀNH

Còn nhiều thách thức

Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN sẽ kiểm toán thường xuyên BCQT NSĐP, trong đó hướng tới việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT NSĐP theo các khuôn khổ pháp lý về lập BCQT được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Để đảm bảo lộ trình này, từ năm 2022, KTNN đã tập trung kiểm toán công tác quản lý điều hành ngân sách cấp tỉnh và tổng hợp, lập BCQT NSĐP. Năm 2022, KTNN đã thực hiện kiểm toán BCQT ngân sách năm 2021 của 60 địa phương và năm 2023 đã kiểm toán BCQT ngân sách năm 2022 của 38 địa phương. Phát hiện đáng chú ý được KTNN chỉ ra qua kết quả kiểm toán năm 2022 là một số địa phương hạch toán các khoản thu chưa đúng mục lục hoặc niên độ ngân sách. Đơn cử, TP. Đà Nẵng đã điều chỉnh khoản nộp của Công ty Cổ phần Trung Nam 300 tỷ đồng từ thu khác sang thu tiền sử dụng đất, làm tăng quyết toán về số thu tiền sử dụng đất và làm giảm thu khác ngân sách tương ứng…

Phát hiện khác là có địa phương đã quyết toán thu NSNN đối với số tạm nộp về tiền thuê đất của doanh nghiệp khi chưa có thông tin về diện tích thuê đất, hợp đồng thuê đất và chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành giá đất làm căn cứ để xác định số tiền thuê đất phải nộp (Công ty TNHH Công viên châu Á với số tiền 122 tỷ đồng). Cùng với đó, tình trạng vi phạm phổ biến được KTNN nêu rõ là một số đơn vị hoặc cấp ngân sách tại nhiều địa phương đã lập BCQT chậm, thiếu mẫu biểu; gửi BCQT cho cơ quan tài chính cấp trên khi chưa hoàn thành công tác khóa sổ; thẩm định khi BCQT chưa được Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã phê chuẩn…

Chính những bất cập này đã và đang gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động kiểm toán BCQT NSĐP của KTNN. Theo Vụ Tổng hợp, do thời gian lập BCQT của các đơn vị chậm dẫn đến công tác kiểm toán đôi khi bị kéo dài hoặc kết thúc thời gian kiểm toán nhưng đơn vị chưa có BCQT chính thức. Hệ lụy kéo theo là thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán gửi địa phương không kịp thời điểm HĐND cấp tỉnh họp dẫn đến tình trạng KTNN phải ban hành hướng dẫn gửi kết quả kiểm toán BCQT đến HĐND cấp tỉnh lưu ý trước khi phê chuẩn quyết toán.

Do thời gian lập BCQT của các đơn vị chậm dẫn đến công tác kiểm toán đôi khi bị kéo dài hoặc kết thúc thời gian kiểm toán nhưng đơn vị chưa có BCQT chính thức. Vì vậy, một số báo cáo kiểm toán gửi địa phương không kịp thời điểm HĐND cấp tỉnh họp, KTNN phải ban hành hướng dẫn gửi kết quả kiểm toán BCQT đến HĐND cấp tỉnh lưu ý trước khi phê chuẩn quyết toán.

Ông Hoàng Linh- Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp

Cũng chung đánh giá này, ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - nêu rõ, chất lượng công tác kiểm toán BCQT NSĐP còn hạn chế do BCQT NSĐP được tổng hợp của 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) với rất nhiều đơn vị quản lý, sử dụng khác nhau; thường thì BCQT NSĐP của tỉnh lập chậm so với quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật NSNN (gửi KTNN trước ngày 01/10 năm sau) nên địa phương dựa vào đó để trì hoãn cung cấp tài liệu, thậm chí cho đến khi gần kết thúc thời gian kiểm toán địa phương mới cung cấp, dẫn đến khó khăn cho KTNN trong việc thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, chọn mẫu kiểm toán.

Chú trọng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán BCQT NSĐP, KTNN kiến nghị các đơn vị được kiểm toán chấp hành nghiêm Luật NSNN, đặc biệt là việc tuân thủ thời gian cung cấp BCQT để KTNN kịp thời hoàn thành việc kiểm toán báo cáo này trước khi HĐND họp cho ý kiến về ngân sách của địa phương.

Liên quan đến hoạt động của KTNN, ông Ngô Minh Kiểm cho rằng, khi khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán, cần xây dựng đề cương kiểm toán chi tiết và đầy đủ; thành viên của đoàn kiểm toán BCQT NSĐP phải là những kiểm toán viên có kinh nghiệm, có trình độ và chuyên môn sâu về tổng hợp số liệu; đặc biệt là phải chú trọng việc phân tích thông tin đã đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, đại diện KTNN khu vực III cũng lưu ý, ngay từ khâu lập kế hoạch toán, phải xác định mức trọng yếu tổng thể, mức trọng yếu thực hiện, ngưỡng sai sót không đáng kể; từ đó xác định các khoản mục trọng yếu trên BCQT để lựa chọn các phần tử mẫu để kiểm tra. Phương pháp phù hợp nhất đối với cuộc kiểm toán BCQT NSĐP là lựa chọn các phần tử nghi ngờ, bất thường, có nguy cơ rủi ro cao đã được phát hiện từ các cuộc kiểm toán năm trước. Bên cạnh việc lựa chọn các phần tử nghi ngờ, bất thường, KTNN khu vực III lưu ý, có thể lựa chọn các phần tử cao hơn một giá trị nhất định để kiểm toán 100%.

Cùng với bất cập nêu trên, đại diện Vụ Tổng hợp còn chỉ rõ, một số khoản hạch toán thu chưa đủ điều kiện, song quy định của Luật NSNN và một số luật khác chưa rõ ràng dẫn đến các đơn vị có thể vận dụng để né tránh, gây khó khăn cho KTNN trong việc kiến nghị HĐND phê chuẩn quyết toán, chẳng hạn như việc phê duyệt phương án sử dụng khoản tăng thu, tiết kiệm chi cho công trình mới; hay các khoản được hạch toán là tiết kiệm chi; hoặc việc kéo dài vốn đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau thời điểm chi chuyển nguồn…

Trong khi một số quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng, Vụ Tổng hợp cho rằng, các đơn vị kiểm toán cần lưu ý rà soát thật kỹ và thận trọng khi xác nhận số liệu liên quan đến việc kéo dài vốn đầu tư các công trình, dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương. Đối với các khoản hạch toán thu ngân sách chưa đủ điều kiện cũng cần được rà soát, như các khoản thu từ đất khi chưa có thông báo nộp tiền của cơ quan thuế. Bởi qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện TP. Hà Nội luôn tồn đọng khoản thu trên tài khoản tạm thu hơn 400 tỷ đồng của khu đất do Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên nộp tiền sử dụng đất khi chưa có thông báo nộp tiền của cơ quan thuế./.

Cùng chuyên mục
  • Cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ODA
    một năm trước Kiểm toán
    Kiểm toán các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) - một loại hình đặc thù trong kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình của Kiểm toán nhà nước (KTNN) - ngày càng trở nên quan trọng, nhất là với những dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
  • Nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện nhiều vấn đề tồn tại trong chi BHYT; cùng với đó là những hạn chế, bất hợp lý về cơ chế giá dịch vụ y tế, vật tư y tế đã từng được KTNN chỉ ra song chưa được khắc phục, sửa đổi kịp thời…
  • “Chất lượng, chất lượng và chất lượng hơn nữa” trong công tác đào tạo
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) thời gian qua và những định hướng trong các năm tới.
  • Bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí phát triển khoa học công nghệ
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Năm 2022, khoản chi cho khoa học công nghệ (KHCN) từ ngân sách trung ương dự kiến là 9.140 tỷ đồng, vượt qua ngưỡng 1% tổng chi ngân sách trung ương (lớn hơn mức 7.732 tỷ đồng của năm 2021). Tuy nhiên, mức chi này vẫn chưa đáp ứng quy định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  • Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La
    một năm trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ngày 15/11, Đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực do đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước – thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 và 9 tháng năm 2023.
Đổi mới kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương