Đôn đốc thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Có đến hơn 56% kiến nghị kiểm toán không được thực hiện do nguyên nhân xuất phát từ đơn vị được kiểm toán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách.

120520230920-z4338050387429_002de1579a68202e578de6c745e77616-1-.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, liên quan đến tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, kết quả kiểm tra cho thấy, đến 31/12/2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 22.492,1 tỷ đồng, đạt 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt 80,08%.

Ngoài ra, đến 31/12/2022, các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm 18.248,3 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 6.957,21 tỷ đồng) kiến nghị từ niên độ 2019 trở về trước, bằng 21,4% tổng số kiến nghị chưa thực hiện tính đến 31/12/2021.

Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản; có 57/95 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Về nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, qua rà soát cho thấy, nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm 56,65%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN chiếm 3%; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 18.763,8 tỷ đồng, chiếm 23,6%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 15,86%; chưa nêu rõ nguyên nhân 698,7 tỷ đồng, chiếm 0,87%.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, qua xem xét nội dung báo cáo của Chính phủ, KTNN, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thấy rằng, KTNN đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong công tác kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021; đã công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị của KTNN theo Nghị quyết của Quốc hội...

Tuy nhiên, đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN niên độ 2020 và 2019 trở về trước, cơ quan thẩm tra chỉ ra, còn nhiều kết luận, kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính, xử lý khác của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện (tính đến 31/12/2022 là 79.385,1 tỷ đồng). Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương nhiều trường hợp không thể thực hiện được.

Nhấn mạnh việc KTNN đã nêu 05 nhóm nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị của KTNN, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo và KTNN tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.

“Đối với các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm không có khả năng thực hiện, cần báo cáo làm rõ lý do và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. KTNN khẩn trương làm rõ nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Phú Hà, báo cáo của Chính phủ mới báo cáo về kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán; chưa báo báo làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2020 được nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ ngân sách nhà nước từ năm 2019 trở về trước.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm điểm việc chưa nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và báo cáo nội dung này trong báo cáo quyết toán NSNN năm 2022.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu thực tế, các kiến nghị của KTNN đối với quyết toán ngân sách nhà nước rất nhiều, nhưng tỷ lệ thực hiện còn rất thấp. Đơn cử, theo báo cáo chỉ có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN. Ông Thanh đề nghị cũng cần phân tích rõ nguyên nhân thực hiện các kiến nghị của KTNN chưa đạt là do các kiến nghị đó, hay do ý thức của đơn vị thực hiện.

Chỉ ra việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân cũng rất thấp, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần phải có chế tài để xử lý với trường hợp, tổ chức cá nhân không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN./.

Cùng chuyên mục
Đôn đốc thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán nhà nước