Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C: Kỳ cuối - Nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn hạn chế, sai sót

(BKTO) - Qua kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh, KTNN đánh giá, công tác lựa chọn nhà thầu cơ bản tuân thủ quy định, các gói thầu xây lắp chính đều được đấu thầu quốc tế rộng rãi, qua đó lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực thực hiện các gói thầu. Đáng chú ý, kết quả giá trị trúng thầu các gói thầu xây lắp chính đều thấp hơn giá gói thầu, đơn cử gói thầu số 7 chênh lệch giảm 124,1 tỷ đồng, tương đương 7% giá trị gói thầu.




Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh tư liệu

Có sai sót trong chi phí đầu tư,giá cả

Trên đây là một trong những đánh giá tích cực của KTNN khi kiểm toán Dự án này. Tuy nhiên, KTNN đã chỉ ra tại gói thầu số 2, Hợp đồng kinh tế được các bên ký kết với tỷ giá chuyển đổi giá trị thuế Giá trị gia tăng (GTGT) từ tiền Won của Hàn Quốc (KRW) sang tiền Đồng của Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là chưa phù hợp với quy định. Hơn nữa, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long đã cho phép nhà thầu tư vấn thiết kế triển khai thực hiện Hợp đồng trước khi có giấy phép thầu do Bộ Xây dựng cấp là chưa tuân thủ quy chế hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam (thực tế nhà thầu triển khai thực hiện công việc từ ngày 08/9/2010 nhưng đến ngày 21/10/2010 mới có giấy phép thầu do Bộ Xây dựng cấp).

Đánh giá công tác quản lý chi phí đầu tư, giá cả có một số mặt làm được, như: công tác quản lý khối lượng theo hợp đồng, quản lý đơn giá và giá thanh toán cơ bản phù hợp, tuân thủ đúng quy định, nhưng KTNN cũng nêu rõ, công tác nghiệm thu thanh toán còn sai sót trong việc xác định đơn giá và chưa thực hiện công tác điều chỉnh giá hợp đồng. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và giảm trừ số tiền 206,9 tỷ đồng, tương đương 9,77% chi phí đầu tư thực hiện. Trong đó, gói thầu số 7 chưa đủ điều kiện xác nhận chi phí bù giá phần nội tệ là 10,8 tỷ KRW (tương đương 205,8 tỷ đồng) do chưa thực hiện đúng quy định của Hợp đồng. Cụ thể, theo quy định của Hợp đồng, nguồn để xác định chỉ số giá cho phần nội tệ lấy theo nguồn chỉ số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, riêng đối với nguồn chỉ số giá cho vật liệu trong quá trình thực hiện thì các bên có thể thương thảo lại để xác định theo nguồn chỉ số của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các bên đã không tuân thủ đúng quy định đã cam kết, không thương thảo để xác định chỉ số giá cho vật liệu, sử dụng toàn bộ theo chỉ số giá do Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng tính toán xác định là không đúng với quy định của Hợp đồng. Do đó, toàn bộ chi phí bù giá cho phần nội tệ là chưa đủ cơ sở để xác nhận.

Tại gói thầu rà phá bom mìn, KTNN phải giảm trừ chế độ sinh hoạt phí 60.000 đồng/ngày (tổng số là 862 triệu đồng) do đơn vị thực hiện công tác rà phá bom mìn là DN kinh doanh nhiều ngành nghề, không phải là đơn vị chuyên trách công tác rà phá bom mìn nên không được hưởng chế độ sinh hoạt phí theo quy định tại Quyết định số 122/2007/QĐ-TTg và Thông tư số 05/2008/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BTC.

Bên cạnh đó, tại Dự án này, công tác lưu trữ hồ sơ chưa thực sự khoa học làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác, sử dụng hồ sơ. Việc cung cấp hồ sơ chậm, thiếu hệ thống, một số hồ sơ còn thiếu. Theo KTNN, để xảy ra những sai sót trên, trách nhiệm thuộc về Ban QLDA Thăng Long.

Kiến nghị xử lý tài chínhhơn 206,9 tỷ đồng

Liên quan đến việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án, KTNN xác định, đến thời điểm 31/3/2018, vốn ứng trước dự toán ngân sách T.Ư chưa thu hồi hoàn trả trong năm ngân sách theo quy định tại Dự án là 19,5 tỷ đồng. Thời điểm ghi thu, ghi chi cũng chưa kịp thời, chưa đúng niên độ ngân sách; trong tạm ứng đợt thanh toán số 1 đến số 3, thời điểm rút vốn đầu tư thuộc niên độ NSNN năm 2011 nhưng thời điểm ghi thu, ghi chi NSNN lại là năm 2012. Tương tự, đợt thanh toán số 4 đến số 8, thời điểm rút vốn đầu tư thuộc niên độ NSNN năm 2012 nhưng thời điểm ghi thu, ghi chi NSNN lại là năm 2013.

Đối với công tác kế toán, thời điểm xuất hóa đơn GTGT từng lần nghiệm thu, thanh toán của gói thầu số 2 và gói thầu số 7 đều chậm so với quy định, cũng như áp dụng tỷ giá chưa phù hợp dẫn đến sai sót về thuế. Qua kiểm toán, KTNN đã phải điều chỉnh tăng thu thuế GTGT gói thầu số 2 hơn 1,47 tỷ đồng, giảm chi phí thuế GTGT gói thầu số 7 số tiền 501 triệu đồng và tăng thu thuế Thu nhập DN gói thầu số 2 số tiền 737 triệu đồng. Đồng thời, tại gói thầu số 7, khi quyết toán Hợp đồng đã giảm trừ khối lượng số tiền 661 triệu đồng (tương đương 33,9 triệu KRW) và nhà thầu đã nộp hoàn trả số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày 31/3/2018, Ban QLDA Thăng Long vẫn chưa báo cáo Bộ Giao thông vận tải để đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp xử lý số tiền này.

Qua kiểm toán Dự án này, KTNN cũng chỉ ra rằng, việc thanh toán phần nội tệ bằng tiền Won dẫn tới bất cập. Thứ nhất, việc thanh toán bằng tiền Won để mua sắm hàng hóa Việt Nam là chưa phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, nhà thầu được thanh toán bằng Won nhưng vẫn phải quy đổi sang tiền Đồng để giao dịch và thanh toán cho các dịch vụ và hàng hóa mua sắm tại Việt Nam khi thực hiện Dự án dẫn tới rủi ro về tỷ giá cho bên vay.

Thứ hai, theo tính toán, nếu ngay từ ban đầu Hợp đồng quy định ngay việc thanh toán với phần nội tệ là tiền Đồng thì giá trị khoản vay đến thời điểm kiểm toán của Dự án cầu Vĩnh Thịnh giảm được 703,46 triệu Won, tương đương 13,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chênh lệch tỷ giá giữa thời điểm dự thầu và tỷ giá thời điểm thanh toán theo từng lần thanh toán.

Một vấn đề khác, liên quan đến chi phí tư vấn của dự án sử dụng nguồn vốn ODA, việc quy định nhà thầu tư vấn là nhà thầu nước ngoài dẫn đến việc xác định giá trị dự toán cho các gói thầu được xác định theo lương chuyên gia nước ngoài có giá trị cao hơn nhiều lần so với việc xác định theo tỷ lệ phần trăm định mức chi phí tư vấn do Bộ Xây dựng công bố. Cụ thể, giá gói thầu tư vấn thiết kế và giám sát của Dự án cầu Vĩnh Thịnh đã được xác định và phê duyệt là 166 tỷ đồng, cao hơn 7,8 lần nếu xác định theo định mức chi phí tư vấn do Bộ Xây dựng công bố (có giá trị là 21,2 tỷ đồng).

Tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban QLDA Thăng Long xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những sai sót mà KTNN đã chỉ ra, đồng thời phải xử lý tài chính số tiền hơn 206,9 tỷ đồng. KTNN cũng yêu cầu đơn vị xác định chỉ số giá theo nguồn của Tổng cục Thống kê Việt Nam để xác định lại giá trị điều chỉnh phần nội tệ theo đúng quy định của Hợp đồng và thực hiện điều chỉnh giá trị quyết toán theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cần rà soát việc áp dụng tỷ giá để hạch toán ghi thu, ghi chi chưa đúng thời điểm thanh toán tại gói thầu số 2 của Dự án này.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C: Kỳ cuối - Nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn hạn chế, sai sót