Quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu
Ngày 13/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)”.
Tại Hội thảo, góp ý cho Dự thảo Luật, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, cũng như bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, tại Dự thảo Luật còn có những quy định chưa phù hợp, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, trong đó có vấn đề chuyển nhượng thầu khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hải phân tích, pháp luật xây dựng và pháp luật đấu thầu đều quy định thống nhất, cho phép nhà thầu chính được ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một hoặc một số công việc thuộc gói thầu (không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện).
Tại Dự thảo Luật có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu, điều đó đòi hỏi ngay từ bước dự thầu, nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.
Song thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành giao thông vận tải, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu.
Tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ. Hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng, các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác.
Khi đó, có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ đã nêu trong hợp đồng.
“Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện” - ông Hải nhấn mạnh.
Để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đại diện Vinaconex kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong Dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.
Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cho phép các tập đoàn, công ty mẹ được phép giao cho công ty con thực hiện một hoặc một số công việc của gói thầu. Trường hợp cần thiết để chặt chẽ, cần bổ sung quy định tập đoàn, công ty mẹ phải duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối cho đến khi hoàn thành gói thầu.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch thường trực VACC cũng cho rằng vấn đề chuyển nhượng thầu (hay còn gọi là bán thầu) vẫn có nhiều cách hiểu không rõ ràng.
Chuyển nhượng thầu là hành vi bị cấm trong đấu thầu (quy định tại khoản 8 Điều 16 Dự thảo Luật), nhưng nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn giữa nhà thầu phụ với chuyển nhượng thầu.
Theo ông Cận, trong quá trình thực hiện gói thầu xuất hiện nhiều yếu tố mà nhà thầu không thể lường trước được, vì vậy, Dự thảo Luật nên quy định theo hướng cho áp dụng hình thức nhà thầu phụ ngoài danh mục nhà thầu phụ đã đăng ký ở giai đoạn đấu thầu; hoặc hình thức nhà thầu phụ của nhà thầu phụ được chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận để thực hiện một phần khối lượng đã nhận thầu, nhằm tránh tình trạng tổng thầu hay nhà thầu chính giao thầu không đúng luật.
Cần có các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu
Một vấn đề nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về cơ chế bảo lãnh còn bất bình đẳng với các chủ thể tham gia hợp đồng.
Ông Dương Văn Cận cho biết, trong thời gian qua, vấn đề nợ đọng trong xây dựng vẫn đang gây khó khăn, nhức nhối cho các nhà thầu, có gói thầu nợ đọng tới gần 20% sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa được thanh toán.
Theo Luật Đấu thầu, trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu, nhà thầu phải có 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng).
Tuy nhiên, Luật hiện hành không có một chế tài nào đối với chủ đầu tư về việc phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu, trong khi nguồn vốn đảm bảo thanh toán cho nhà thầu thì không được chủ đầu tư đảm bảo (kể cả trong quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư tại Điều 80 của Dự thảo Luật), nên dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không có vốn thanh toán cho nhà thầu.
Để giải quyết vấn đề này, ông Cận kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Luật cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư, cụ thể theo hướng: “Khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu”. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu.
Một vấn đề bất cập nữa cũng được đại diện VACC đề cập đến đó là việc quản lý thực hiện sau kết quả đấu thầu không được pháp luật quy định.
Ông Cận cho biết, hệ thống pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước theo quy định đang bị đứt đoạn giữa giai đoạn đấu thầu và giai đoạn thực hiện hợp đồng. Luật Đấu thầu hiện hành không có phần chế tài quy định quản lý thực hiện kết quả sau đấu thầu.
Tại Dự thảo Luật mới đưa thêm Điều 69: Nguyên tắc thực hiện hợp đồng, trong đó đưa ra 3 nguyên tắc còn rất sơ sài không có nội dung mang tính pháp lý. Trong khi đó, những quy định pháp lý với chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu thực hiện gói thầu là những chế tài cần được quy định trong nội dung của Điều này.
Ngoài ra, trong Dự thảo Luật quy định nội dung công tác “giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” (tại Điều 89) cũng chỉ quy định công tác giám sát hồ sơ, đánh giá hồ sơ, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu… Những nội dung này không phải là các quy định liên quan đến công tác giám sát thực hiện hợp đồng.
“Không có hướng dẫn, không có chế tài nên khi thực hiện dự án nhà thầu có thể không đáp ứng được những cam kết trong hồ sơ dự thầu, kết quả là chậm tiến độ, chất lượng không đáp ứng… Đây chính là tình trạng làm “hồ sơ đẹp” trong giai đoạn đấu thầu. Chúng tôi kiến nghị Dự thảo Luật cần có những điều quy định về quản lý thực hiện đấu thầu và các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu để công tác đấu thầu thực sự có hiệu quả” - ông Cận nêu ý kiến.
Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận góp ý về một số nội dung khác của Dự thảo Luật như: quy trình, thủ tục, thời gian trong đấu thầu; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, ưu đãi trong đấu thầu; các trường hợp chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; quy định về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư…
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Trần Hào Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị sẽ xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, nhằm xây dựng được những quy định có tính khả thi cao, tạo được sự đồng thuận lớn trong dư luận./.