Hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu

(BKTO) - Một trong những mục tiêu quan trọng khi sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) là hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nội dung này cần được quy định cụ thể hơn để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm (TSBĐ), tạo thuận lợi xử lý kịp thời, hiệu quả các khoản nợ xấu.

14-thay.jpg
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Ảnh minh họa: Phạm Tuân

Sửa Luật để tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trải qua hơn 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Việc thực hiện Nghị quyết 42 mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực. Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 42 vẫn còn những vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến xử lý TSBĐ. Trên thực tế, việc thu giữ TSBĐ để xử lý nợ xấu chỉ thành công khi khách hàng hợp tác hoặc trong một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp, TSBĐ là đất trống… Còn khi khách hàng không hợp tác bàn giao TSBĐ hoặc chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong một số trường hợp chưa kịp thời, công tác xử lý nợ xấu gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc thu giữ TSBĐ thường không đạt được kết quả.

Bên cạnh đó, theo NHNN, thời gian qua, việc vẫn phải nộp các khoản thuế, án phí trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42, làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD trong khi số tiền xử lý TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Mặt khác, hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan vẫn thiếu quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là TSBĐ của khoản nợ xấu bị tạm giữ. Đáng lưu ý, quy định về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” tại Điều 14 Nghị quyết 42 cũng chưa được giải thích cụ thể. Do đó, việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến các TCTD rất chậm nhận được TSBĐ để xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu.

Để góp phần tháo gỡ các vướng mắc trên, Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) đã bổ sung 1 Chương về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu. Theo đó, Dự thảo Luật kế thừa các quy định tại Nghị quyết 42 như: Bán nợ xấu và TSBĐ; mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; quyền thu giữ TSBĐ; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ; chuyển nhượng TSBĐ.

Cần cụ thể hóa nhiều quy định

Góp ý cho Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi), ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp - nhận định, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn so với Luật hiện hành, trong đó có nhiều quy định sẽ giúp giải quyết vướng mắc cơ bản liên quan đến xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cũng cần tiếp tục được rà soát kỹ để tránh những khoảng trống pháp lý trong xử lý các vấn đề thuộc hoạt động ngân hàng nói chung, xử lý nợ xấu nói riêng.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng, việc quy định một chương về xử lý nợ xấu trong Luật các TCTD là cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc về xử lý TSBĐ, Dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD thu giữ TSBĐ. Đồng thời, Dự thảo Luật cần cụ thể hóa nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm khi xử lý TSBĐ; bổ sung thêm quy định về chuyển nhượng TSBĐ với nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng TSBĐ…

Liên quan đến vấn đề TSBĐ, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, thị trường hiện nay cho thấy sự cần thiết phải có đại lý quản lý TSBĐ là các TCTD. Do vậy, Dự thảo Luật cần giữ nguyên nội dung này và để tạo hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tế, cần quy định rõ về “đại lý quản lý TSBĐ” của TCTD (khái niệm, nội dung, các trường hợp được nhận làm đại lý…).

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị NHNN phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát những nội dung quy định tại 2 phương án đưa ra, bảo đảm phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với Luật các TCTD và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, từ đó làm cơ sở sửa đổi cho phù hợp, tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành về TSBĐ của khoản nợ xấu.

Ngoài ra, đại diện VAMC đề nghị Dự thảo Luật mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC, đồng thời bổ sung quy định cho phép Công ty này được mua nợ xấu của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài để tạo sự bình đẳng giữa VAMC và các TCTD khác./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu