Đưa kinh doanh xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh

(BKTO) - Chia sẻ với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, việc khan hiếm xăng dầu hiện nay chủ yếu do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Do đó, cần xem xét lại cơ chế này cũng như nguồn cung xăng dầu, để đưa kinh doanh xăng dầu Việt Nam dựa trên các nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh.

a08a40ea4f378969d026.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Đ. KHOA

Thưa ông, được biết, chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng từ ngày mai (11/11). Tuy nhiên, theo đánh giá của một số doanh nghiệp thì chi phí này là quá thấp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Giá xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý, theo đó, cơ quan Nhà nước phải định giá xăng dầu và có chính sách điều chỉnh. Về nguyên tắc điều chỉnh phải tính đúng, tính đủ, dựa trên những chi phí cụ thể và đảm bảo hiệu quả kinh doanh hợp lý cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Do vậy, mức chiết khấu và các chi phí trong quá trình vận chuyển, lưu thông xăng dầu, theo tôi, Bộ Tài chính phải có cơ sở để đánh giá. Đó là phải dựa trên cơ sở lịch sử chúng ta đã thực hiện trong nhiều năm qua, đồng thời cũng phải đánh giá xu thế thay đổi của các nguồn cung cấp như thế nào?

Hiện nay, Việt Nam đang có nguồn cung cấp trong nước khá cao, như Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, chúng ta có thể phấn đấu đạt 70-80% nguồn cung trong nước. Như vậy, rõ ràng vấn đề chi phí để chiết khấu cũng sẽ được tính toán chủ động hơn so với việc chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.

Vì vậy, tôi hy vọng, Bộ Tài chính phải tính toán, có căn cứ cơ sở dựa trên những chi phí cụ thể để đưa ra các mức quy định đảm bảo doanh nghiệp có thể kinh doanh được.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Theo tôi, việc khan hiếm xăng dầu hiện nay không phải do nguồn cung thế giới, mà là do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Khi chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này dẫn tới càng bán càng lỗ, thì đương nhiên họ sẽ không mặn mà với việc bán.

Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tăng rất cao, sẽ phải thực hiện việc cắt giảm chi phí chiết khấu. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu phải xác định kinh doanh không có lãi, cùng với việc Nhà nước giảm thuế, mới giảm giá được cho người dân.

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới bình ổn trở lại, thì phải tăng chi phí chiết khấu cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, nếu công tác điều hành liên quan tới chi phí chiết khấu, sự phân chia chi phí chiết khấu giữa công ty đầu mối, nhà phân phối và nhà bán lẻ nếu có sự hợp lý hơn thì sẽ không để xảy ra tình trạng các cây xăng bán lẻ phải dừng bán như hiện nay.

Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên thị trường sẽ vẫn diễn ra. Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong giai đoạn tới?

Theo tôi, đây là hạn chế của hệ thống quản lý xăng dầu Việt Nam. Ở nước ngoài, người ta có hệ thống kinh doanh hàng đầu hoàn toàn độc lập và tự do cạnh tranh, Nhà nước hầu như không cần phải can thiệp, các công ty tự định giá để đưa ra thị trường.

Còn ở nước ta, Nhà nước vẫn đang quản lý xăng dầu. Do vậy, việc Nhà nước đưa ra chính sách, nếu không phù hợp có thể sẽ gây tác động tới thị trường. Ngược lại, nếu Nhà nước không có công cụ quản lý tốt rất có thể dẫn đến tình trạng như độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu lại hai yếu tố.

Thứ nhất, chúng ta phải xem cơ chế điều hành xăng dầu thực sự đã hiệu quả, khoa học chưa và đã dựa trên các cái nguyên tắc khách quan để đảm bảo rằng khi quyết định đưa ra Nhà nước cũng thấy thỏa đáng và doanh nghiệp cũng chấp nhận được. Ở góc độ người kinh doanh mong muốn là mức chi phí, mức chiết khấu phải cao lên, nhưng rõ ràng là đều phải có căn cứ, cơ sở cụ thể.

Thứ hai là cần phải xem lại hệ thống nguồn cung xăng dầu quốc gia để có giải pháp căn cơ. Có như vậy chúng ta mới thực sự đưa kinh doanh xăng dầu Việt Nam dựa trên các nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Đưa kinh doanh xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh