Đừng có “lơ lửng giữa trời”

(BKTO) - Một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm là phải vì dân, gần gũi với dân, không được xa lánh dân và không thể thiếu sự liên hệ với dân.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời nêu rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Từ đó, Người xác định nhiệm vụ của Đảng: “Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

2-.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh tư liệu

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nếu xa cách dân, không liên hệ chặt chẽ với dân thì cũng như đứng “lơ lửng giữa trời”, nhất định sẽ bị thất bại. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn gần gũi, gắn bó với dân, phải chống quan liêu, chật hẹp, mệnh lệnh: “Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành các nguyên tắc sau đây: 1. Việc gì cũng phải hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng. 2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải căn cứ vào thực tế tình hình để triển khai thực hiện cho hợp lý: “Chớ khư khư theo sáo cũ”. Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kiên quyết phản đối thói a dua, theo đuôi quần chúng: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng” và đặt ra vấn đề: Phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa ý kiến quần chúng thành đường lối để lãnh đạo quần chúng. Đồng thời, phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân. Người chỉ đạo “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia việc gì cũng “Trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”.

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến nhân dân lao động, đến mối quan hệ giữa nhân dân lao động với Đảng. Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Thực hiện tư tưởng, lời dạy của Hồ Chủ tịch, để tránh “lơ lửng giữa trời”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, cách làm thiết thực, hiệu quả để đạt được những thành tựu to lớn trong công tác dân vận, gắn bó và phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Thực tiễn quá trình trưởng thành, phát triển của Đảng ta đã chứng minh: Các tổ chức của Đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng đã không ngừng phấn đấu thực hiện Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có nội dung: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng”.

Bên cạnh những thành tựu, ưu điểm, Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cùng hậu quả, biểu hiện của sai phạm trong công việc quan trọng này. Như, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tháng 10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rất rõ: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân”. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được xác định chính là vì “Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác”. Vì vậy, Đảng đề ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có giải pháp quan trọng phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận”.

Từ thực tiễn thành công cũng như những hạn chế khuyết điểm trong công cuộc đổi mới, trực tiếp là trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, Đảng ta đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học kinh nghiệm thứ hai, khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Bài học kinh nghiệm trên cũng chính là mục tiêu, là giải pháp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chung sức, đồng lòng, nâng cao ý chí, quyết tâm, triển khai nhiều giải pháp tích cực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”./.

Cùng chuyên mục
  • Chuyển dịch lao động và tiền lương
    một năm trước Góc nhìn
    Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/6/2022, cả nước có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và thôi việc, chiếm tỷ lệ 1,94% tổng biên chế.
  • Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.
  • Áp lực lạm phát gia tăng
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mặc dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021 song so với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 đã tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
  • Để phát triển kinh tế tuần hoàn
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020: “Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
  • “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Vai trò, vị trí, sự đóng góp to lớn của phụ nữ với xã hội cũng như vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới luôn là vấn đề quan trọng được cả nhân loại quan tâm, chú ý.
Đừng có “lơ lửng giữa trời”