Dùng “mức tham chiếu” làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đề xuất thay "mức lương cơ sở" hiện hành bằng "mức tham chiếu" để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

270520240823-z5479449155068_d11fae669433e1d92780e0f3d8623e4d.jpg
Quang cảnh Phiên thảo luận về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Xây dựng một số nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo Quốc hội về việc đề xuất thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ ngày 01/7/2024, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.

Vì nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15/5/2024 vừa qua, tại Báo cáo số 234/BC-CP, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” trong Dự thảo Luật.

270520240825-z5479449970449_a36af9ad1824e19a747f90fa74f2f7dc.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đó, Dự thảo Luật đã được bổ sung giải thích thuật ngữ “Mức tham chiếu” tại khoản 12 Điều 4 và sửa đổi, bổ sung tại 14 điều, khoản khác.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá tác động.

Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu xây dựng một số nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu để thực hiện từ ngày 01/7/2024 khi cải cách tiền lương cũng như khi Luật có hiệu lực, đúng theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định “mức tham chiếu” cụ thể này trong Dự thảo Luật (dưới dạng nguyên tắc tính vào thời điểm cải cách tiền lương). Vì, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ xảy ra độ chênh lệch lớn giữa lương hưu của người nghỉ hưu và người đang làm việc do tăng lương mới rất cao, còn sau đó khi áp dụng nguyên tắc điều chỉnh cho các năm hoặc giai đoạn tiếp theo trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, Quỹ BHXH.

Quy định thời gian định kỳ điều chỉnh mức tham chiếu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung trong Dự thảo Luật quy định về việc hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc xây dựng, tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nghiên cứu bổ sung trong Dự thảo Luật quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo quy định của Nghị quyết số 28-NQ/TW để hài hòa với căn cứ đóng BHXH của khu vực nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp dưới mức sống tối thiểu.

202405271106134027_z5480026873822_307d0a184b8a81f4f87361cc21ac4f99.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo việc rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến “mức lương cơ sở” sẽ bị bãi bỏ từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương để trình ban hành quy định mới theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Dự thảo Luật, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, Quỹ BHXH.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, quy định như Dự thảo là rất kịp thời và đồng bộ với việc dự kiến cải cách tiền lương vào tháng 7 tới đây, một số yêu cầu về mức tham chiếu được đưa ra trên chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế cũng rất phù hợp.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người hưởng các chế độ bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên xem xét quy định trong Luật định kỳ thời gian để điều chỉnh mức tham chiếu; ví dụ như chu kỳ hằng năm hoặc chu kỳ 2 năm một lần.

"Việc quy định kỳ điều chỉnh mức tham chiếu sẽ nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan và đảm bảo xem xét quyền lợi về BHXH của người được thụ hưởng thường xuyên, kịp thời” - đại biểu Nga nói.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) băn khoăn khi cho rằng, mức tham chiếu là chỉ sự thay đổi, sẽ khó áp dụng hay xác định dự toán kế hoạch về BHXH trung hạn. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ nguyên tắc xác định mức tham chiếu, việc xây dựng mức tham chiếu được thực hiện như thế nào. Đây là vấn đề cần cân nhắc để bảo đảm tính khả thi.

Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bản chất mức tham chiếu là khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở. Theo đó, Chính phủ tiếp tục đề xuất sử dụng mức 1,8 triệu đồng - mức lương cơ sở hiện nay. Sau này, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tiền lương tăng lên bao nhiêu thì sẽ là mức tham chiếu.

Cùng chuyên mục
  • Đẩy mạnh mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội
    3 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 27/5, thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm nhiều đối tượng người lao động vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.
  • Bảo đảm công khai, minh bạch các khoản thu trong giáo dục, đào tạo
    3 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có Công văn số 2179/BGDĐT-KHTC đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khoản thu của cơ sở giáo dục, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
  • Đảm bảo quyền lợi của người lao động thông qua các cơ chế, chính sách thiết thực
    3 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 26/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
  • Tìm giải pháp tăng năng suất lao động
    3 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động (NSLĐ) tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động (2011) lên 188,7 triệu đồng/lao động (2023). Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Tuy nhiên, về cơ bản, việc thực hiện mục tiêu tăng NSLĐ còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức dẫn đến NSLĐ vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra…
  • Phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là cốt lõi để tăng năng suất lao động
    3 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - “Con người là trung tâm chủ thể của tăng năng suất lao động, con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển tăng năng suất lao động. Chúng ta không hi sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Dùng “mức tham chiếu” làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội