Gắn tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận với phát triển bền vững

(BKTO) - Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp có thể đạt được đồng thời cả ba mục tiêu: tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và phát triển bền vững, dù điều này là rất khó.

dn.jpg
Doanh nghiệp cần gắn tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận với phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để đạt được tăng trưởng bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đánh đổi giữa doanh thu, lợi nhuận để gia tăng lợi ích xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thành công trên cả 3 khía cạnh này.

Hiện tại và tương lai đều cần gắn với phát triển bền vững

Kể từ sau khi đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều cú sốc lớn, ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng ổn định của cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những chiến lược mới để có thể đạt được tăng trưởng bền vững trong tương lai nhằm tăng sức chống chịu và khả năng phục hồi khi nền kinh tế gặp phải những cú sốc.

Việc thực hiện chiến lược môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) được các chuyên gia đánh giá rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay do các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và có thể tác động đến giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp.

Các sự kiện như vụ tai nạn dầu trên vịnh Mexico của BP, vụ kiện tập đoàn điện tử Apple liên quan đến quyền lao động tại Trung Quốc, hay vụ kiện chống độc quyền của Amazon… Tất cả đều là minh chứng cho sự ảnh hưởng lớn của ESG đến doanh nghiệp và cả xã hội.

Trải qua một vài giai đoạn tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ra rằng việc thực hiện các biện pháp giảm khí thải carbon không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ và tổ chức quốc tế mà còn là cơ hội kinh doanh và tạo ra sự cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã đi tiên phong trong lĩnh vực này với việc thực hiện các biện pháp giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Vinamilk chính là minh chứng rõ nhất của việc phát triển bền vững mà không làm suy giảm kết quả kinh doanh, thậm chí còn hỗ trợ và mở ra những cơ hội kinh doanh lớn hơn cho doanh nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư thực hiện chiến lược ESG từ sớm và Vinamilk hiện đang đón nhận được nhiều “trái ngọt”. Vừa qua, Vinamilk đã lọt vào “Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu” và là “Thương hiệu bền vững dẫn đầu tại Việt Nam” (do Brand Finance xếp hạng).

Đặc biệt, điểm nhận thức về tính bền vững của Vinamilk được đánh giá cao nhất trong ngành sữa thế giới, vượt qua nhiều tên tuổi lớn đến từ Trung Quốc, châu Âu...

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào cung cấp được các sản phẩm bền vững, quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn quốc tế càng sớm sẽ càng có được lợi thế cạnh tranh khi xuất ngoại.

Cũng chính vì lẽ đó mà sản phẩm của Vinamilk đã vươn tới gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những cường quốc có yêu cầu rất cao đối với hàng nhập khẩu cao như Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Australia... Đặc biệt, Vinamilk còn đạt mức tăng trưởng doanh số hơn 10% mỗi năm ở thị trường cao cấp như châu Đại Dương.

05 nguyên tắc “vàng” để đạt được đồng thời 03 mục tiêu

Nhìn lại thời điểm năm 2003 - khi Vinamilk bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường phát triển bền vững - doanh thu lúc đó mới chỉ đạt khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

vn.jpg
Vinamilk nhận Giải thưởng doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2022. Ảnh: ST

Trải qua hơn 20 năm, hiện nay, Vinamilk đã trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện ESG và mức doanh thu đã lên đến 61.000 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu của Vinamilk (VNM) vẫn là blue-chip ưa thích của các định chế tài chính nước ngoài cũng như các tổ chức tài chính, chứng khoán trong nước về sự minh bạch, bền vững và thế mạnh về quản trị doanh nghiệp.

Theo chia sẻ từ chính các doanh nghiệp dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận tại Việt Nam, có 05 nguyên tắc để đạt được đồng thời cả ba mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và phát triển bền vững.

Cụ thể gồm: tích hợp tăng trưởng, lợi nhuận và thực hiện ESG tập trung vào chiến lược cốt lõi; đổi mới các dịch vụ ESG để thúc đẩy việc tạo giá trị gia tăng; sử dụng mua bán và sáp nhập (M&A) để nắm bắt các khoản tăng trưởng từ ESG; theo dõi và báo cáo minh bạch các vấn đề ESG; đưa các chiến lược ưu tiên vào “mã gen” của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển bền vững không tập trung hoàn toàn vào các hoạt động nhằm hướng tới ESG mà còn tích hợp những hoạt động này vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi nguyên tắc này, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF). Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp ước tính mỗi ngày sẽ thải ra môi trường khoảng 1 triệu kg đầu tôm, vỏ tôm.

Do vậy, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, VNF đã xác định tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D) với mục tiêu chế biến hết các phụ phẩm thành thức ăn, nhất là cho chăn nuôi.

Nhờ đó, hình ảnh phụ phẩm phơi dọc các con đường ở Đồng bằng sông Cửu Long trước đây đã giảm bớt và doanh nghiệp có thêm một loại sản phẩm mới với chi phí sản xuất gần như không đáng kể.

Để đưa các chiến lược ưu tiên vào “mã gen” của doanh nghiệp, một doanh nghiệp vận tải đã đạt được hiệu suất vượt trội. Công ty này đã thành lập tổ giám sát ở tất cả các cấp, từ ban giám đốc đến các bộ phận hoạt động, để đánh giá một cách tổng thể các số liệu về 3 khía cạnh tăng trưởng, lợi nhuận và ESG.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đưa ra các mức thưởng tương ứng với các mục tiêu ESG quan trọng và xây dựng quan hệ đối tác với khách hàng để cùng phát triển các giải pháp xanh mới.

Sự tập trung mạnh mẽ vào quản trị không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu mà còn tối ưu hóa chi phí và chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình hội nhập ở cấp độ cao hơn về giảm phát thải carbon…/.

Cùng chuyên mục
Gắn tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận với phát triển bền vững